Như cách giới nghệ sĩ phải thường xuyên gây chú ý với công chúng để được biết tới, kỳ thi năm nay tiếp tục “làm mới” với 6 thay đổi lớn, gồm hủy kết quả thi nếu vi phạm quy chế, có bài thi từ 1 điểm trở xuống không được xét tốt nghiệp, điểm lẻ bài thi tự luận được làm tròn đến 2 chữ số thập phân, giảm điểm ưu tiên khu vực, bổ sung điều kiện dự thi đối với thí sinh tự do và “hot” nhất là sẽ không có điểm sàn tuyển sinh đại học, ngoại trừ ngành... sư phạm.
Có thể thấy kỳ thi năm nay, đột phá nhất ở chi tiết không quy định điểm sàn đại học. Điều này khiến cả trường đại học, học sinh và phụ huynh cùng sôi sục. Thế nhưng, những ai quan tâm tới ngành giáo dục hẳn sẽ nhớ, chỉ trong 15 năm qua, đây là lần thứ... n ngành giáo dục khai sinh, rồi lại khai tử điểm sàn đại học. Năm 2001, bộ đề thi tuyển sinh đại học bị các chuyên gia, giáo viên đứng lớp và cả xã hội phản ứng vì dẫn tới khuyến khích học sinh luyện thi, nên năm sau ngành GD-ĐT tổ chức kỳ thi chung cho tất cả các trường đại học, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, 2, 3. Kỳ thi này không có điểm sàn, chỉ có điểm chuẩn của trường đại học được Bộ GD-ĐT duyệt. Do bất cập giữa nhu cầu, yêu cầu tuyển sinh các trường, năm 2003, điểm sàn bắt đầu ra đời. Khai sinh được đúng 10 năm, đến kỳ thi năm 2014, điểm sàn khai tử, trở lại tùy theo nhu cầu của trường. Khai tử được 1 năm, điểm sàn lại tái sinh trong kỳ thi năm 2015. Đến kỳ thi năm nay 2018, điểm sàn lại khai tử, mang theo nghi vấn đầu vào đại học sẽ “thượng vàng hạ cám”.
Có thể thấy, với ngàn lẻ một “cải tới, cải lui” trong những năm qua, ở góc độ này, ngành GD-ĐT nước ta sẽ giành vòng nguyệt quế so với nền giáo dục các nước trên thế giới và cũng giành ngôi vị quán quân so với các ngành, lĩnh vực khác trong nước. Đây là điều khiến học sinh không biết học kiểu gì cho đúng hướng, cho tốt nhất với mục đích, mục tiêu và đam mê mà mình theo đuổi. Như lạc giữa rừng rậm đành nhìn hướng mặt trời mà đi, các em chỉ còn cách gồng mình học tất cả các môn, các bài cho tốt. Không chỉ kéo theo hàng triệu phụ huynh, gia đình và cả xã hội chạy theo guồng máy xộc xệch ấy, các trường đại học cũng xoay như chong chóng trong việc xây dựng chiến lược tuyển sinh, đào tạo của mình. Bởi 1 dòng quy định giữ hay bỏ điểm sàn, sẽ quyết định nhiều vấn đề khác của các trường đại học, như tự chủ hay không tự chủ đào tạo, đầu vào hay đầu ra giữ vai trò quyết định đối với quá trình đào tạo, tổ chức hệ thống giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, hoạch định hoạt động tài chính...
Chưa nói đến chất lượng thực sự của kỳ thi, đề thi, cách tuyển sinh, cũng chưa nói tới 3 môn đạt 3 điểm 9 vẫn trượt đại học hay 3 môn tổng cộng 9 điểm vẫn đậu đại học - những khiếm khuyết căn bản “ai cũng hiểu chỉ 1 người không hiểu”... Riêng sự quan tâm và cảm xúc của phụ huynh và cả xã hội, có lẽ đã chất chồng đủ để ngành giáo dục nhanh chóng đem lại một kỳ thi THPT quốc gia mới, yên ả mà hiệu quả như ở bao nơi khác trên thế giới, chứ không phải như kỳ thi năm 2018 vừa bắt đầu.
H. Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065