TỪ TẤM LÒNG YÊU TRẺ CỦA THẦY CÔ
Buổi sáng tháng 5, biên giới ấp Thạnh Đông mát dịu sau cơn mưa rào. Thầy giáo Phạm Văn Tiệp kể cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên trong công tác vận động học sinh đồng bào dân tộc trên biên giới Lộc Tấn trở lại lớp.
Thầy Tiệp vào nghề đã 13 năm, trong đó 7 năm làm phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Thầy Tiệp cho rằng khó nhất với giáo viên trẻ khi làm công tác phổ cập là bất đồng ngôn ngữ với cha mẹ các em. Muốn vận động các em trở lại lớp phải xuất phát từ trách nhiệm và tấm lòng nhiệt tình của giáo viên.
Cô Hoa khoe: Chữ của em Thị Nhiên đẹp như chữ mẫu
Ở ấp Bù Núi A và B có gần 80% số dân là người Xêtiêng. Cha mẹ các em thường đi làm xa, ngày mùa ở luôn trong rẫy. Khi học sinh bỏ học, giáo viên phụ trách lớp đến nhà vận động lần 1, lần 2 và sau đó là nhiệm vụ của giáo viên phổ cập phối hợp cùng ấp trưởng (người dân tộc) để phiên dịch, giải thích cho phụ huynh. Đến mùa vụ, giáo viên phải vào tận rẫy và đi lúc chiều tối để gặp cha mẹ các em. Năm học 2008-2009, một học sinh dân tộc Khơme nghỉ học, nhà ở ấp Thạnh Tây. Thầy Tiệp đã đến nhà 3 lần nhưng không gặp được em. Hỏi ra mới biết cha mẹ đã gả chồng cho em.
Giữa mùa điều chúng tôi đến điểm lẻ của Tiểu học Lộc Tấn B, tại ấp Bù Núi. 10 giờ, trong 4 lớp học cả thầy và trò đang say sưa giải toán, tập đọc. Thầy Bùi Quang Uyên, chủ nhiệm lớp 3 đã có 7 năm gắn bó với điểm trường ấp Bù Núi vui vẻ: Những năm trước, đầu năm học vận động được học sinh dân tộc Xêtiêng ở Bù Núi A và Bù Núi B đến trường đã khó, giữ được sĩ số đến cuối năm càng khó hơn nhưng 4 năm nay không còn xảy ra tình trạng đến mùa điều các em nghỉ học nữa.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa (22 tuổi) là giáo viên trẻ nhất của trường Tiểu học Lộc Tấn B với dáng người nhỏ nhắn, ân cần nắn từng nét chữ cho các em. Cô Hoa chủ nhiệm lớp 4 với 25 em, trong đó 19 em dân tộc Xêtiêng. Cô Hoa cười tươi khoe với chúng tôi nét chữ mềm mại, tròn trịa, đều như chữ mẫu của học sinh Thị Nhiên: Lớp đang luyện chữ để dự thi chữ đẹp. Lớp có 2 em được chọn đi thi đều là người Xêtiêng: Thị Nhiên và Thị Trang đã đạt giải nhất và nhì. Vợ chồng cô Hoa dạy cùng trường và đang phải ở nhà thuê nhưng 3 năm gắn bó với các em đã giúp cô Hoa khẳng định: Không còn học sinh bỏ học giữa chừng là nhờ tình yêu nghề và lòng mến trẻ của thầy cô giáo.
CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ CHO EM ĐẾN TRƯỜNG
Tiểu học Lộc Tấn B ngoài điểm chính ở ấp Thạnh Đông còn 1 điểm lẻ ở ấp Bù Núi, với hơn 70% học sinh dân tộc Xêtiêng và 1 điểm ở ấp Thạnh Tây dành cho con em của 32 hộ từ miền Tây Nam bộ lên sinh sống, trong đó có nhiều em dân tộc Khơme. Điểm trường Bù Núi cách điểm chính 5km nhưng điểm Thạnh Tây xa 14km, đi lại khó khăn. Năm học 2008-2009, cô Đoàn Thị Hòa được giao làm Hiệu trưởng Tiểu học Lộc Tấn B. Ngôi trường có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học cao do cha mẹ các em nghèo cả về kinh tế và nhận thức.
Cô Hòa không còn nhớ rõ trong 5 năm, Ban giám hiệu trường và xã Lộc Tấn đã vận động bao nhiêu đoàn từ thiện đến thăm, tặng quà các em học sinh nghèo dân tộc Xêtiêng, Khơme vượt khó. Có một điều là các đoàn từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh khi đến với các em học sinh dân tộc trên biên giới Lộc Tấn đều trở lại với tình cảm mến thương vào năm sau. Nhiều đoàn vừa tặng quà, vừa tổ chức vui chơi cho các em trong ngày hè, trung thu. Ở điểm trường Bù Núi, một đoàn từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tiền để sửa cửa, lợp lại mái, sơn quét tường, mắc điện. Trong 4 năm (2010-2014), trường vận động các em học sinh mức 1.000 đồng/tuần để tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn vượt khó được gần 35 triệu đồng.
Ở 2 ấp Bù Núi A và B, xã quan tâm dành phần lớn quà của các đoàn từ thiện cho các em học sinh. Xã, ban ấp phối hợp cùng nhà trường rà soát làm hộ khẩu, giấy khai sinh cho học sinh dân tộc Xêtiêng ở đây với gần 200 hộ.
Từ một trường yếu kém của ngành giáo dục Lộc Ninh trong 4 năm, Tiểu học Lộc Tấn B đã đạt danh hiệu tiên tiến, tiên tiến xuất sắc (2013-2014), chi bộ trong sạch vững mạnh, công đoàn xuất sắc, chi đoàn toàn diện, liên đội xuất sắc...
P.HÀ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065