1. Tục phỏng đoán năm mới tại Phần Lan
Truyền thống lâu đời ở Phần Lan là phỏng đoán năm mới của một người bằng cách thả những hộp lon đã được nung chảy vào một thùng nước, sau đó xem hình dáng của nó khi cứng lại. Nếu có hình một trái tim hay một chiếc nhẫn nghĩa là sẽ có đám cưới, hay một chuyến du lịch vào năm mới; Nếu có hình một con lợn thì đó là dấu hiệu của sự no đủ.
2. Tục đốt "Ngài năm cũ" của Colombia
Đốt “Ngài năm cũ” (Mr. Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Colombia trong dịp năm mới. Mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "Ngài năm cũ". Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua. Tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách đầy lạc quan của người Colombia.
Ở một số thành phố tại Colombia, người dân có tục dựng hình nộm có tên là "Ngài năm cũ" rồi đốt vào đúng đêm Giao thừa (Ảnh sưu tầm)
3. Tết “đau khổ” của Ấn Độ
Trong những ngày Tết, người dân xứ sở này thường bày biện và ăn các loại trái cây có vị đắng. Vào lễ giao thừa, người Ấn Độ dùng bột mì để kỳ cọ cơ thể. Tại những nơi công cộng, người ta còn chuẩn bị sẵn các thùng bột màu để mọi người tạt vào nhau. Ai bị tạt nhiều bột màu thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Ngày Tết dương lịch ở Ấn Độ còn được gọi là “ngày Tết đau khổ” hoặc gọi là “ngày Tết cấm thực”. Trong ngày này, mọi người không được tức giận, nổi cáu, cãi cọ với người khác. Ở một số địa phương, trong ngày Tết, người dân không những không chúc phúc cho nhau mà còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại mất đi, đời người càng thêm ngắn lại và tiếng khóc là để bày tỏ sự xót thương, than thở cho bản thân. Có nơi, người ta sẽ nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới. Thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh ngày đầu tiên của năm mới cho đến nửa đêm.
4. Ngày Thánh Basil của Hy Lạp
Ngày mùng 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm mới tại Hy Lạp còn gọi là ngày Thánh Basil – một trong những tổ tiên của Giáo hội chính thống Hy Lạp. Vào thời khắc giao thừa, người mẹ trong gia đình bước ra sân lấy quả lựu đập mạnh vào tường nhà, nếu hạt lựu văng tung toé khắp sân thì đồng nghĩa năm mới gia đình sẽ gặp nhiều may mắn. Trên bàn tiệc năm mới của người Hy Lạp luôn luôn có mật ong, một nhánh ô liu, các loại hạt, trái cây tươi, họ quan niệm đó là biểu tượng khác về hạnh phúc và sự giàu có. Trong ngày lễ họ còn làm một loại bánh kem Thánh Basil, người làm bánh sẽ đặt bên trong một đồng tiền vàng hay bạc. Trong bữa ăn đầu tiên của ngày đầu năm mới, ai là người sở hữu miếng bánh có đồng tiền sẽ may mắn trong suốt năm đó.
5. Tục ăn 7 bữa một ngày tại Estonia
Theo truyền thống, người Estonia sẽ cố gắng ăn 7 bữa trong ngày đầu năm mới. Họ tin rằng, đó là hành động đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn 7 bữa trong ngày đầu năm, thì người ta tin rằng anh ta sẽ có sức khỏe bằng 7 người đàn ông khác trong năm mới. Ngày nay, các bữa tiệc mừng năm mới có thể đã khác đi một chút, đặc biệt là các bữa tiệc ở thủ đô Tallinn – nhà nào cũng bày thật nhiều rượu cùng với nhiều loại thức ăn.
6. Tục ăn 12 quả nho của Tây Ban Nha
Tại đất nước, Tây Ban Nha, người dân có tục ăn 12 trái nho khi nghe 12 tiếng chuông nhà thờ lúc Giao thừa. Điều thú vị là sau mỗi tiếng chuông, hầu như không ai nuốt kịp hết những trái nho và như vậy khi năm mới đến, trong miệng mỗi người đều đang đầy loại quả này. Mọi người nhìn nhau cười và càng làm cho việc nuốt số nho trong miệng khó khăn hơn. Tục lệ này cũng thể hiện niềm mong muốn sang năm mọi người có những vụ mùa nho bội thu.
Người dân Tây Ban Nha có tục ăn 12 trái nho khi nghe 12 tiếng chuông nhà thờ lúc Giao thừa (Ảnh sưu tầm)
7. Tục nhảy từ trên ghế xuống để xua đuổi tà ma tại Đan Mạch
Nhiều người Đan Mạch đón năm mới bằng cách vào nửa đêm, họ sẽ đứng lên ghế, sau đó nhảy xuống. Đây được xem là hành động xua đuổi tà ma và mang lại may mắn. Ngoài ra, trong suốt cả năm người Đan Mạch thường để dành những chiếc đĩa cũ, vỡ để vứt xung quanh nhà hàng xóm, nhà bạn bè vào dịp năm mới. Tìm thấy càng nhiều mảnh vỡ xung quanh nhà, chứng tỏ bạn có rất nhiều người yêu quí.
8. Lễ rước đuốc mừng năm mới của người Scotland
Theo truyền thống, người dân Scotland xuống đường diễu hành rước đuốc trong những bộ trang phục của người Viking cổ đại để đánh dấu ngày cuối cùng của năm cũ, chào đón năm mới mà theo cách gọi của người Viking là Hogmanay. Bên cạnh việc hát vang khúc ca giao thừa Auld Lang Syne, người dân Scotland còn cử hành nghi thức “bước chân đầu tiên” theo đúng truyền thống của người Hogmanay. Để bảo đảm một năm may mắn, người vinh hạnh được đặt bước chân đầu tiên vào nhà người Scotland buộc phải là người lạ cao to mang theo than, rượu whisky và bánh mì đen.
9. Buổi hòa nhạc đặc biệt tại Áo
Cách đón năm mới ở “cái nôi của nhạc giao hưởng thính phòng”, nơi sản sinh ra thiên tài âm nhạc thế giới Mozart cũng có đôi chút khác biệt so với nhiều nước trên thế giới. Để chuẩn bị cho đêm Tất niên, thủ đô Vienna của Áo sẽ tổ chức một buổi nhạc giao hưởng thính phòng lớn chưa từng có tại Nhà hát lớn Goldener Musikvereinsaal của thành phố này. Hàng ngàn bó hồng rực rỡ sẽ được đưa đến để cắm ở khắp mọi nơi bên trong và bên ngoài nhà hát. Hàng trăm nhạc công cũng đang ra sức tập luyện để có một đêm diễn thành công để đáp ứng sự mong mỏi của người dân trong thành phố.
10. Thả bóng ước nguyện tại Mỹ
Màn thả bóng ước nguyện tại thời khắc năm mới ở Quảng trường Thời Đại (Times Square), New York, Mỹ, có thể được xem là một trong những hoạt động chào đón năm mới hoành tráng nhất thế giới. Điều làm cho nó trở nên hoành tráng chính là tiết mục thả một quả cầu pha lê khổng lồ từ đỉnh tòa nhà One Times Square vào lúc 11h59 ngày 31/12. Quả cầu sẽ từ từ được hạ xuống trong vòng một phút. Khi quả cầu chạm xuống đất cũng là lúc người dân New York đón chào năm mới.
Nguồn Đảng cộng sản
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065