CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG TỈNH:
Nòng cốt trong khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức
Vậy là đã 17 năm tỉnh Bình Phước được tái lập. Trong ký ức của 540 ngàn người dân Bình Phước và 43 ngàn công nhân viên chức - lao động của một tỉnh nghèo ngày ấy, là sự nỗ lực đồng lòng. Bởi chỉ có đồng lòng mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách từ thực tế lúc bấy giờ.
Đóng vai trò quan trọng trong khối liên minh công nhân - nông dân và đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh luôn biết cách tập hợp xung quanh mình lực lượng lao động tinh túy nhất, đủ sức thôi thúc, động viên người lao động phát huy hết tiềm năng và khát vọng cống hiến... đưa Bình Phước từ một tỉnh ít được nhắc tới, trở thành thành viên Câu lạc bộ “1.000 tỷ”; là thủ phủ của nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, hồ tiêu...
Thành quả từ những dấu ấn rõ nét tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã được ghi nhận, khi xuân Quý Tỵ này Công đoàn tỉnh vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Dấu mốc quan trọng này như tiếp thêm sức mạnh, hâm nóng bầu nhiệt huyết của hơn 85 ngàn công nhân viên chức - lao động trong chặng đường dài của tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Chìa khóa để tổ chức Công đoàn Bình Phước tạo nên dấu ấn trong bước chuyển mình chung của cả tỉnh, là đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ trong ngành tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo được sự vươn xa trong từng nội dung hoạt động.
Các đại biểu tại lễ phát động Tháng công nhân năm 2012 và khai mạc giải bóng đá công nhân khu công nghiệp
Để đội ngũ cán bộ công đoàn có những hiểu biết cơ bản cả về lý luận và thực tiễn, giải quyết thấu đáo những vấn đề nảy sinh từ thực tế, hàng năm các cấp công đoàn tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở; phối hợp với trường Đại học Công đoàn Việt Nam mở lớp đại học công đoàn hệ tại chức cho hơn 70 cán bộ công đoàn chuyên trách và những người muốn tìm hiểu sâu về tổ chức công đoàn trong tỉnh tham gia; tạo điều kiện cho tất cả cán bộ công đoàn chuyên trách được học đại học công đoàn.
Bằng việc tổ chức các phong trào thi đua toàn diện, với nhiều hình thức phong phú, nội dung cụ thể, phù hợp với từng ngành nghề và đối tượng người lao động ở cơ sở, đã củng cố thêm lòng yêu nước, phát huy nội lực, sát cánh cùng chuyên môn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị doanh nghiệp.
Trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Tiêu biểu là phong trào “Cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong nhân dân” của cán bộ, công chức; phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” của ngành giáo dục - đào tạo; phong trào “Rèn luyện y đức” của ngành y tế; phong trào “Liên kết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn” trong ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, công nhân, viên chức - lao động ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã cùng với các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở 20 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới trực tiếp vận động, hướng dẫn người dân các xã đánh giá, xác định nhu cầu, xây dựng dự án phát triển sản xuất và tổ chức thực hiện dự án. Trong đó, tập trung tìm ra các mô hình sản xuất vừa hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương và nhu cầu thị trường. Đồng thời khơi dậy, phát huy được nội lực trong dân, hướng đến tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, nhằm đạt được các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo và hình thức tổ chức sản xuất. Cùng với các công trình trường học, hội trường, nhà văn hóa, các điểm truy cập internet được xây dựng, 18 công trình đường giao thông nông thôn đã được triển khai thuận lợi, với hàng trăm ngàn mét vuông đất người dân tự nguyện hiến, để mở mang những con đường rộng hơn. Dẫu chưa phải là “tấc đất, tấc vàng” như phố thị, nhưng đó cũng là không gian sinh hoạt, là nơi hương hỏa của cha ông họ để lại. Việc làm trên đã giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng trù phú, như ước vọng ngàn đời đang lấp lánh sắc màu vui từ các miền quê. Điều đó càng cho thấy sự đồng thuận từ lòng dân, sự sát cánh của tổ chức công đoàn trong thực hiện các chương trình lớn của tỉnh và đất nước.
Ở các doanh nghiệp, phong trào thi đua lao động giỏi với mục tiêu “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh thắng lợi vì sự phát triển bền vững của đất nước” đã khơi dậy tiềm năng của tập thể người lao động. Hàng năm đã có hơn 50 công trình sản phẩm, hàng trăm đề tài sáng kiến kỹ thuật được công nhận, làm lợi cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.
Đời sống người lao động cũng vì thế mà được chăm lo hơn, thể hiện qua các thỏa ước lao động tập thể. Qua quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn đã phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của người lao động trong việc đóng góp xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tham gia giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống công nhân.
Trong 5 năm, toàn tỉnh đã thành lập mới 131 công đoàn cơ sở, kết nạp hơn 14 ngàn đoàn viên, trong đó có 70 công đoàn cơ sở, với gần 8.500 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã vận động đóng góp vào các loại quỹ 26 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 97 ngàn người có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 3 trại hè “Mặt trời nhỏ” tại thành phố Đà Lạt cho 500 con công nhân viên chức lao động có thành tích học tập tốt tham gia. Từ năm 2008 đến 2013, Bình Phước đã có trên 2.070 sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy được công nhận và 426 công trình thi đua mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Để ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các cấp công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng cờ thi đua cho 4 tập thể và bằng khen cho hơn 3.300 lượt tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động công đoàn. |
Dù những vấn đề bức xúc của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, như nhà ở, tiền lương, thu nhập, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nơi sinh hoạt văn hóa, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn... chưa tạo ra được chuyển biến rõ nét như trong mục tiêu của Nghị quyết 20 về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; trình độ tay nghề của một bộ phận công nhân trực tiếp sản xuất trong các thành phần kinh tế còn thấp; nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật còn hạn chế, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động chưa cao..., nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những điểm sáng, có tính đột phá, với những cách làm tuy không mới nhưng thiết thực. Đó là Công ty TNHH Aun Tex (công ty có 100% vốn Hàn Quốc) đã tự bỏ ra gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà trẻ và trang bị nhiều đồ chơi hiện đại, nhận nuôi dạy 40 cháu là con công nhân lao động trong công ty theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, góp phần giải quyết “cơn khát” nơi gửi con cho các gia đình công nhân nghèo, không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Đặc biệt, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức được 3 đám cưới tập thể cho 24 cặp uyên ương là công nhân nghèo làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và thành lập nhiều tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và ý thức tuân thủ pháp luật cho hàng ngàn người lao động trong các khu nhà trọ...
Những hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho người lao động cũng luôn được các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn quan tâm đúng mức. Công tác từ thiện xã hội, nhất là việc hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn khó khăn trong và ngoài tỉnh, với hàng ngàn mái ấm công đoàn được xây dựng, hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho đoàn viên có điều kiện phát triển kinh tế và trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn... trở thành những chiếc phao, bệ đỡ cho gia đình công nhân, viên chức - lao động nghèo, để họ có quyền mơ nhiều hơn với những gì đang có.
Vai trò là trung tâm kết nối tình cảm giai cấp và các tầng lớp nhân dân trong xã hội lại càng rõ nét, khi các cấp công đoàn trong tỉnh gương mẫu hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân Trường Sa do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Số tiền thu được từ sự quyên góp, hay nhắn tin ủng hộ đã làm ấm lòng và sát cánh cùng ngư dân trong những chuyến ra khơi, để họ đủ sức vượt qua những con sóng bạc đầu giữa muôn trùng biển khơi, mà giữ lấy cuộc sống bình yên cho muôn dân và biển trời Tổ quốc.
Thực hiện các chức năng của tổ chức mình với những mục tiêu thiết thực và phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, Công đoàn Bình Phước không chỉ thực hiện được nhiệm vụ “phủ sóng” công đoàn trong các thành phần kinh tế, mà đã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và người lao động trong tỉnh. Cảm nhận rõ nét từ những việc làm cụ thể đầy tính nhân văn, hơn 85 ngàn công nhân viên chức - lao động trong tỉnh và 86 cán bộ công đoàn chuyên trách - những người hội đủ nhiệt tình, năng lực, bản lĩnh và vì người lao động, đã và đang đang nguyện lao động, học tập, công tác cho xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
Lâm Văn Phúc
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065