Trong phiên chất vấn sáng nay (21-11), hai vụ án quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm liên quan ông Nguyễn Thanh Chấn và Lê Bá Mai được các đại biểu "truy" tư lệnh ngành tòa án.
Đặc biệt quan tâm đến vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, đại biểu Lê Thị Na (Đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi: Qua một số vụ kết tội oan, đề nghị Chánh án, Viện trưởng VKS, Bộ trưởng Bộ công an cho biết trách nhiệm của mình trong điều tra, truy tố oan. Có một vấn đề là, một số bị can bị điều tra viên ép nhận cung. Vậy giải pháp để khắc phục là gì? Tôi và cử tri có hai kiến nghị là: thứ nhất là lắp camera theo dõi khi lấy cung, và giải pháp thứ hai là giao cho cơ quan khác, không phải là công an làm việc này.
Việc ép cung, nhục hình là không thể chấp nhận được
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vụ án ông Chấn, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Vụ án ông Chấn xảy ra đã có bản án hình sự phúc thẩm từ năm 2004. Sau khi xét xử, ông Chấn và gia đình cũng có đơn kêu oan vào những năm trước đây.
Gần đây, ngày 4-11-2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm. Tòa án NDTC đã triệu tập phiên họp xét xử lại bản án. Hội đồng thẩm phán Toà án NDTC là cơ quan xét xử cao nhất của tòa án nhân dân, đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng, hủy án, điều tra lại. Hiện nay, các thủ tục đang được tiến hành để Viện kiểm sát thực hiện việc điều tra lại. Viện kiểm sát sẽ chuyển cơ quan điều tra để điều tra lại.
Về vấn đề đại biểu Lê Thị Nga nêu có ép cung, nhục hình hay không, Chánh án cho hay việc ép cung, nhục hình là không thể chấp nhận được. Nếu có thì sự việc phải được chứng minh. Thực tế rất khó để Hội đồng xét xử phát hiện ra có chuyện ép cung hay không.
Thông thường thì khi bị can hoặc luật sư yêu cầu xem xét thì tòa án mới có cơ sở xem lại vụ việc. Việc phát hiện những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố đòi hòi thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký phải có trình độ, bản lĩnh và phải có cái tâm để phát hiện ra liệu có ép cung hay không. Nếu cán bộ nào vi phạm, có hành vi ép cung hay bức cung đều bị xứ lý theo quy trình, điều lệnh và theo pháp luật.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình.
Theo Chánh án, hiện Bộ trưởng Bộ Công an đang cho tiến hành kiểm điểm vụ ông Chấn. Thực tế, trong quá trình điều tra có sự tham gia của Viện Kiểm sát từ đầu, từ khâu tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, kiểm soát xét xử. Nếu có ép cung, nhục hình thì nhũng người trực tiếp vi phạm phải chịu trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm của Viện Kiểm sát.
Đối với tòa án thì xét xử dựa tên tài liệu, chứng cứ thì thụ lý và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc phát hiện ép cung hay không là rất khó, việc này phải có yêu cầu của bị can, luật sư, Viện Kiểm sát yêu cầu xem xét. Nhưng nếu để xảy ra oan sai thì tòa án vẫn phải chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ ngành tòa án, nhất là các chức danh tư pháp để không xảy ra tình rạng oan cung, ép cung, nhục hình.
Trong trường hợp có ép cung nhục hình ở vụ này thì cần chứng minh một cách khách quan chứ không thể khẳng định ngay, nếu bất cứ cán bộ nào có vi phạm đều phải bị xử lý theo mức độ vi phạm. Nếu không phải như thế thì chúng ta không thể kết luận vội vàng vì còn liên quan đến tinh thần, ý chí tiến công tội phạm Nếu không sẽ làm nhụt ý chí, tin thần tiến công của những người đang làm những công việc khó khăn, gian khổ.
Có oan sai hay không
Tại phiên chất vấn sáng nay, ông Trương Hòa Bình đưa ra con số mỗi năm các cơ quan tiến hành tố tụng, thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự. Đây là việc làm khó khăn, vất vả, thậm chí có người hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, công việc có áp lực rất lớn nhưng với trách nhiệm được giao, đội ngũ được đào tạo bài bản, họ là những cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ.
Từ những nguyên nhân khác nhau, có thể xảy ra oan sai. Việt Nam chúng ta cũng không thoát khỏi thực tế là có thể để xảy ra oan sai như các nước trên thế giới, bởi các nước phát triển cũng gặp phải vấn đề này. Để xảy ra oan sai là không thể chấp nhận được, nhưng dư luận cần quan tâm, xem xét, nghiên cứu những người có trách nhiệm để xem có xảy ra oan sai hay không.
Chưa dừng lại ở đó, đại biểu Lê Thị Nga, Đoàn Thái Nguyên tiếp tục "truy" tư lệnh ngành tòa án: Tôi có 4 đề nghị về vụ ông Chấn: một là khi điều tra lại phải đảm bảo khách quan và để khách quan, không để cho công an Bắc Giang điều tra vụ này; hai là phải hoàn toàn dựa trên những nhân chứng, hiện thực khách quan; ba là khẩn trương xác minh điều tra về việc ông Chấn bị bức cung, nhục hình; bốn là đề nghị Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát, rà soát lại tất cả những vụ hình sự kêu oan, đặc biệt là các vụ tử hình.
Chánh án Toàn tối cao trình bày ngắn gọn như sau: "Chúng tôi đang cho chỉ đạo rà soát lại các vụ việc, nhất là các vụ có hình thức xử cao nhất như tử hình hoặc các vụ việc có tình tiết tái thẩm. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, chúng tôi sẽ đặt tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Tuyên Lê Bá Mai có tội: Chánh án tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) có ý kiến với Tòa tối cao là phải rà soát, xem xét nghiêm minh, có giải pháp ngăn chặn nguy cơ tái diễn các vụ oan sai đồng thời đề nghị Ban tư pháp Quốc hội giám sát hoạt động này nếu có thể.
Ông Đỗ Mạnh Hùng đặt câu hỏi về vụ án Lê Bá Mai ở Bình Phước: “Chúng tôi đã nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp về vụ xét xử Lê Bá Mai ở Bình Phước về tội giết người, hiếp dâm có nhiều dấu hiệu oan sai. Vụ án này đã qua 4 lần xét xử với những kết luận khác nhau, đồng chí Chánh án có chỉ đạo quy trình giám đốc thẩm này không, phương hướng giám đốc thẩm như thế nào?”
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Hùng, ông Trương Hòa Bình nói: Về vụ án Lê Bá Mai, như đại biểu trình bày đã có sơ thẩm, phúc thẩm, kiến nghị xử lại. Cách đây vài tháng tòa án đã xét xử lại vụ này và tuyên án Lê Bá Mai phạm tội. Đây là quyết định của ngành tòa án từ hội đồng xét xử có thẩm quyền, Chánh án tôn trọng quyết định của hội đồng xét xử. Bản án đã có hiệu lực nhưng nếu có đơn kêu oan theo đúng trình tự, chúng tôi sẽ thận trọng, khách quan để xem xét lại vụ án này với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Thông tin về vụ án Lê Bá Mai
Bản án sơ thẩm ghi nhận: Lê Bá Mai làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân (xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước). Sáng ngày 12-11-2004, trong lúc đi rải phân, Mai thấy Nguyễn Thị Út (Sinh năm 1993) và Thị Hằng (sinh năm 1995) đi mót sắn nên lấy xe máy chở Út đến vườn mít để hiếp dâm, dùng quần của nạn nhân siết cổ Út, sau đó vùi xác gần cây mít gần đó. Năm 2005, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Mai án tử hình. TAND Tối cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án này. Mai kêu oan. Đến tháng 12-2006, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án để điều tra lại. Tháng 5-2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần hai và tuyên bị cáo không phạm tội trả tự do ngay tại tòa. VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị, yêu cầu xét xử lại. Ngày 18-5-2012, Mai bị bắt giam lại. Tháng 6-2012, TAND Tối cao tại TP.HCM hủy án để điều tra và xét xử lại từ đầu. Tháng 1-2013, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 3 tuyên phạt tù chung thân. VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, xử bị cáo án tử hình.
Lê Bá Mai tiếp tục kêu oan.
|
(Theo Doisongphapluat)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065