BP - Sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Tân, TP. Cà Mau, năm đầu đại học, Lâm Hữu Tặng (ảnh, SN1988) đã viết những bài cảm nhận về vọng cổ cộng tác Báo Sân khấu TP. Hồ Chí Minh và tạp chí văn nghệ các tỉnh, thành. Tại cuộc thi “Sáng tác văn học nghệ thuật Bình Phước” do Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước tổ chức mới đây, Tặng được trao giải nhì và khuyến khích ở thể loại sáng tác vọng cổ. Điều bất ngờ tham gia giải chỉ duy nhất mình anh là tác giả trẻ, còn lại đều ở tuổi trên 60.
HẾT MÌNH VÌ VỌNG CỔ
Sinh ra trong gia đình không có ai theo nghiệp đờn ca hay sáng tác nhưng ngay từ nhỏ Tặng đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Tặng cho biết: “Hồi nhỏ, cứ thấy ba mẹ mở xem cải lương hay ca vọng cổ là em lại chăm chú lắng nghe và thuộc lòng nhiều bài. Nhiều khi ba ca cho em ngủ bằng những trích đoạn trong các vở, như Bạch Hải Đường, Người tình trên chiến trận... nên niềm đam mê vọng cổ ngấm vào em lúc nào không hay. Ban đầu mê môn Toán nên năm học lớp 8, em dự định vào đội tuyển học sinh giỏi Toán thì trường lại chọn vào đội tuyển Văn nên em chuyển sang học Văn luôn. Em thường đưa những ngôn từ của vọng cổ vào trong các bài văn của mình nên được thầy cô khen. Và từ đó em luôn ước mơ trở thành người sáng tác vọng cổ nên ngay những năm học THPT, em đã tập sáng tác truyện, làm thơ”.
Tốt nghiệp THPT, Tặng thi đậu Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Văn học. Năm thứ nhất, Tặng cho ra mắt bản vọng cổ đầu tay, nhưng vẫn còn nhiều câu chữ vụng về, khó “ăn” đờn, phải nhờ các anh chị đi trước hướng dẫn để hoàn thiện sáng tác. Nhờ tinh thần ham học hỏi Tặng ngày càng định hình lối viết nên điệu thức, câu từ cũng phong phú hơn. “Vọng cổ thuộc thể loại văn học, mang tính chất thi ca, đòi hỏi phải nắm vững niêm luật, thể hiện ý tứ văn chương rõ ràng, chứ viết lung tung sẽ không thể thành công được” - Tặng nói.
Vọng cổ đã qua thời hoàng kim, hiện các tác giả trẻ đến với loại hình nghệ thuật này bằng niềm đam mê là chính. Họ phải “tự bơi”, tự tìm hiểu thị hiếu và tìm cho mình cách viết phù hợp. Tặng cũng trăn trở nhiều về điều đó: “Đầu ra của tác phẩm hiện nay vẫn là vấn đề nan giải, khi mà các đài phát thanh - truyền hình tỉnh sản xuất chương trình rất ít nên các tác giả trẻ sáng tác về vọng cổ cũng chỉ là để thỏa niềm đam mê. Nhất là lĩnh vực sáng tác vọng cổ không có trường đào tạo, chuyên ngành, biên chế nên muốn theo đuổi đam mê phải kiếm cho mình một công việc ổn định”.
MONG TRỞ THÀNH SOẠN GIẢ CẢI LƯƠNG
Tính đến nay, Tặng đã có gần 100 bài ca phát sóng trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV, nhiều bài phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước do các nghệ sĩ Cẩm Tiên, Phượng Loan, Kim Tiểu Long, Thanh Ngân... thể hiện, như: Nỗi chờ mong, Hẹn thêm lần nữa, Quê em, Bông bần rụng trắng mặt sông... Các bài Tặng viết về Bình Phước được khán giả xem đài đánh giá cao, như: Ngoại ơi, Bàn tay anh, Quê chồng, Quê ngoại, Trọn vẹn nghĩa tình, Cây uyên ương, Tình như cổ tích... Trong đó, Tặng tâm đắc nhất hai bài được Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước trao giải là “Bàn tay anh” và “Người cha miền đất đỏ”.
Vọng cổ là thể loại âm nhạc truyền thống của Nam bộ hiện ít được giới trẻ quan tâm do xuất hiện nhiều thể loại âm nhạc sôi động và phù hợp thị hiếu, nhưng dù có những lúc thăng trầm, vọng cổ cũng sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Hiện Tặng là biên tập viên phụ trách chương trình ca cổ trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và thường xuyên cộng tác với chương trình vọng cổ của các đài: HTV, Cà Mau, Vĩnh Long; viết tiểu phẩm cho các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong các game show truyền hình. Tặng còn dự định viết cải lương và đang ấp ủ một chương trình truyền hình mang tên “Tỏa sáng với vọng cổ”.
Tặng cho rằng, cái khó nhất của một người sáng tác vọng cổ là bài ca viết ra phải phù hợp với người nghe, nội dung truyền tải được tình cảm mà tác giả gửi gắm trong đó và phải diễn tả đến người nghe bằng cảm xúc chân thật nhất. “Nghệ thuật đờn ca tài tử đã được vinh danh. Dẫu biết con đường thực hiện đam mê còn nhiều gian nan trắc trở, nhưng em tin, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê cháy bỏng sẽ là ngọn lửa soi sáng, dẫn đường cho em đến thành công” - Tặng chia sẻ. Mong em giữ được niềm đam mê và tình yêu nghề để có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tâm nguyện trở thành nghệ sĩ vọng cổ.
Hữu Dụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065