Nhiều khi có khối chuyện chị dành dụm chỉ đợi chồng về để giãi bày vậy mà có nói được gì đâu, đến muốn giận dỗi cũng không có thời gian để dỗ dành nhau. Một ngày vài ba cuộc điện thoại chớp nhoáng, đang nửa chừng câu chuyện thì bên này con khóc, bên kia bận việc gấp. Chị đã quen không có anh đỡ đần sớm tối nên cũng chẳng buồn than thở. Một mình chăm con, việc gì không làm được thì nhờ, nhờ không xong thì thuê. Được cái anh kiếm tiền giỏi, đủ lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy.
Vì thế, chị cũng thoải mái tâm lý, nghĩ mình khổ nhiều rồi giờ có tiền thì sống thoáng một chút cũng đã sao. Chị không hoang phí, cũng chẳng dại gì tằn tiện. Việc gì thấy cần thì chi, nghĩ ngợi chỉ tổ mệt đầu; đặc biệt là sắm sửa cho con chị không bao giờ tiếc, coi như bù đắp cho con thay cả phần bố nó, bởi anh không có nhiều thời gian vui chơi cùng con. Thằng nhỏ thèm bố đến mức lúc nào nghe tiếng xe dừng ở cổng cũng chạy ra xem có phải bố về không.
Thằng nhỏ hiếu động, cứ có món đồ chơi mới nào là nghịch ngợm đủ kiểu chả mấy chốc mà hỏng. Nào thì ô tô mỗi bánh một nơi, đồng hồ thì kim giờ còn mà kim phút mất. Mấy loại đồ chơi chạy bằng dây cót được ba buổi là nằm chỏng chơ một góc, chị tính mang vứt hết đi. Anh bảo “cứ để đó đợi anh về sửa cho con”. Chị nghĩ để đó chỉ tổ chật nhà mà anh thì đến thời gian ngủ nghỉ còn không có thì lấy đâu ra lúc rảnh rỗi ngồi sửa đồ chơi. Chị thì không biết làm mấy việc đó, thà bỏ ra vài chục ngàn mua cái mới cho nhanh.
Anh nghe xong cười bảo “Kho báu của anh nằm ở đấy, vứt là vứt thế nào”. Cuối tuần anh về, cơm nước xong xuôi hai bố con anh lôi đồ chơi hỏng ra ngồi xếp bằng ở góc nhà hí hoáy sửa. Chị ngồi ủi quần áo bên cạnh, nghe thấy anh hướng dẫn con chậm theo từng động tác: “Con nhìn bố nhé. Bố xoay ngược chiều kim đồng hồ là tháo ra, xoay theo chiều kim đồng hồ là vặn vào. Thật đơn giản đúng không nào? Con thấy đấy, xe bị hỏng bánh thì sẽ không chạy được, giống như chân con bị đau vậy. Đồ chơi cũng là bạn, bởi thế nên khi vui chơi con phải thật giữ gìn đồ chơi. Để bố xem nào, cả ba bạn ô tô đều bị long bánh. Xem ra con đối xử với các bạn tệ thật đó con trai. Nếu đồ chơi mà biết chạy thì chúng đã bỏ con đi từ lâu rồi”.
Chị tủm tỉm cười nhìn hai mái đầu chụm lại chăm chú sửa từng chi tiết nhỏ rồi hồi hộp chờ xem kết quả có tốt không. Có vài món đồ không thể sửa, con trai tiếc rẻ hỏi “Phải vứt chúng đi sao bố?”. “Dĩ nhiên rồi, nó bằng cả ngày lương của một người lao động bình thường đấy. Mà con chơi nó được bao lâu nhỉ?”. “Một tuần kể từ mẹ mua nó ạ”. “Bố nghĩ là quá hoang phí đấy con trai”. Thằng nhỏ cúi đầu “dạ” khẽ. Tối đó nằm cạnh chị, anh bảo “Em thấy đấy, bảy tám chục nghìn đâu có mua được bài học cho con và hạnh phúc của anh”.
Chị cứ ngỡ mình đã dồn hết tâm sức chăm chút con từng chút một. Nhưng hóa ra không phải vậy, có những bài học nhỏ bé và đơn giản chị đã không biết cách dạy con. Anh thì khác, càng bận rộn thì càng phải tranh thủ từng khoảng thời gian ngắn ngủi bên con. Như là việc cho con xem một đĩa ca nhạc thiếu nhi, hàng ngày chị vẫn bật lên và bỏ mặc con ngồi đó ôm lấy cái ti vi, để chị được rảnh tay nấu cơm, phơi đồ, dọn dẹp nhà cửa hoặc tranh thủ ngả lưng đọc sách.
Đôi khi dúi cho con cái điện thoại, chị chẳng cần biết nó nghịch gì, xem gì, chỉ cần được yên thân là thích. Anh thì khác, khi bật đĩa lên anh bảo con “Bạn ấy sắp hát rồi kìa, con vỗ tay khuyến khích bạn đi”. Rồi hai bố con ngồi xem với nhau, thích thú, náo nhiệt, phấn khích qua từng màn biểu diễn. Mỗi khi ca sĩ nhí hát xong một bài là anh lại nhắc con “Bạn hát hay quá, con vỗ tay khen bạn đi”. Thằng nhỏ vừa vỗ tay vừa nhảy tưng tưng rồi đổ ập vào lòng bố. Anh bảo cần phải dạy con biết trân trọng, động viên và khích lệ người khác nhất là những người đã làm cho mình vui.
Những bài học đơn giản ấy, chị làm mẹ mà không nghĩ thấu, cứ tưởng mỗi bữa dỗ con ăn được một bát cơm là tốt, trông cho con không nghịch ngợm là mừng, dạy con biết thưa thốt, dạ vâng đã là ngoan. Hóa ra, chẳng thấm tháp gì so với thứ tình yêu con tỉ mỉ và cũng đầy kiên nhẫn của anh.
Anh mới có cơ hội thầu một dự án lớn trên Tây Bắc. Nếu lên đó sẽ phải giám sát công trình, quản lý nguyên vật liệu và tiến độ thi công, nên có khi vài ba tháng anh cũng không được về nhà. Anh đắn đo rồi quyết định từ chối vì không muốn xa con. Chị cằn nhằn anh không biết chớp thời cơ. Dự án ấy chả khác nào chiếc bánh ngọt lớn mà bất cứ nhà thầu nào cũng muốn nhảy vào.
Chị tính, nếu làm xong dự án đó anh sẽ kiếm được một khoản kha khá, đủ để đổi nhà vào trung tâm thành phố. Nếu không cũng sắm một "con xe" để đi lại mưa nắng cho đỡ khổ. Đi vài ba tháng mới được về nhà kể thì cũng buồn thật nhưng cố gắng vất vả một vài năm vì con cái thì cũng đã sao.
Phải lo kiếm tiền thì mới lo được cho con một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Chứ cứ quanh quẩn, ôm ấp lấy nhau thì có ngày chết đói. Anh nghe chị càu nhàu thì cười bảo “Tiền thì bao nhiêu cho đủ hả em? Anh dù có bận trăm công nghìn việc, có ham kiếm tiền đến cỡ nào thì cũng sẽ luôn dành thời gian dạy dỗ con chu đáo. Bởi em thấy đấy, có những thứ chẳng tiền nào mua được…”.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065