Hiện nay, nhu cầu trâu, bò thịt và giống đang được người dân trong tỉnh ưa chuộng và đầu tư. Do đó, việc phát triển đàn trâu, bò đang được tỉnh quan tâm, khuyến khích. Tuy nhiên, trong thực tế việc phát triển chăn nuôi trâu, bò hiện gặp rất nhiều khó khăn như người chăn nuôi vẫn theo lối truyền thống, chưa áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi...
PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG
Bình Phước có diện tích đất rất lớn, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 80%, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Ngoài ra, những vườn cây công nghiệp đang trong giai đoạn kiến thiết là điều kiện tốt để trồng xen các cây họ đậu, cỏ... làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, hiện người nuôi trâu, bò trong tỉnh phần lớn chăn nuôi theo cách truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên, tận dụng đồng bãi tự nhiên và nguồn lao động nhàn rỗi. Cách làm này chỉ phù hợp với con giống cho năng suất thấp và hiệu quả mang lại không cao. Ngoài ra, diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, đất đai một phần chuyển thành các khu công nghiệp và dành cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, nguồn thức ăn cho trâu, bò ngày càng ít đi. Với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc chăm sóc nuôi dưỡng còn nhiều hạn chế, chuồng trại cho trâu, bò chỉ mang tính tạm bợ...
Chăn nuôi trâu, bò ở Bình Phước phát triểntheo hướng đồng bộ, nhiều giải pháp
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cũng thực hiện thành công dự án Hỗ trợ trâu sinh sản cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2007-2013. Dự án đã hỗ trợ trâu sinh sản cho hai xã Phước Minh (Bù Gia Mập) và Thiện Hưng (Bù Đốp) được chọn làm mô hình điểm của tỉnh. 56 con trâu cái đã được phân bổ để bàn giao trực tiếp cho các hộ đồng bào DTTS ở hai xã. Và nhận 2 con trâu cái nuôi trong vòng 2 năm.Mỗi hộ còn được hỗ trợ 60% giống cỏ để trồng 0,2 ha cung cấp thức ăn cho đàn trâu. Sau đó tiếp tục luân chuyển cho các hộ khác nuôi. Kết quả cho thấy, từ 56 con trâu cái ban đầu, đến nay đã tăng lên gần 200 con. Như vậy, qua 3 giai đoạn chuyển đổi, mô hình này đã đem lại hiệu quả, nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình được nâng lên.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 30 trang trại chăn nuôi trâu, bò; trong đó, đàn trâu khoảng 50 ngàn con và bò khoảng 15 ngàn con, phân bố chủ yếu ở các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đốp...
|
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của phát triển chăn nuôi, các địa phương sẽ có biện pháp hữu hiệu hơn để thúc đẩy lĩnh vực này. Trong đó, vai trò tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán chăn nuôi cũ là rất quan trọng. Đồng thời tìm hướng đi thích hợp, bền vững hơn, đó là chăn nuôi trâu, bò có kiểm soát.
Để ngành chăn nuôi trâu, bò của tỉnh phát triển trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư phát triển đồng cỏ tại các hộ nuôi trâu, bò; tận dụng tối đa nguồn phế phẩm trong nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây đậu, bắp, ngọn mía, cỏ... Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp và những hộ nông dân có tay nghề cao trong chăn nuôi. Nâng cao vai trò công tác khuyến nông để cải thiện kỹ năng và hiểu biết của nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất. Áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, chăn nuôi theo mô hình trang trại, công nghiệp và nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, ngành nông nghiệp tổ chức các mô hình chăn nuôi, khuyến cáo kỹ thuật và hướng dẫn thực hành cho người chăn nuôi; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về tổ chức chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh và có hiệu quả kinh tế cao.
Tân Xuân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065