“Nhiều cha mẹ giữ con ở nhà. Nhưng sau 3 tuổi trẻ cần có bạn, cha mẹ nên cho trẻ rời khỏi vòng tay của mình, cho con đi học để cải thiện giao tiếp”.
Trong buổi nói chuyện về việc chăm sóc trẻ tự kỷ, diễn ra cuối tuần qua tại báo Tuổi Trẻ, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (chuyên viên tâm lý lâm sàng nhi khoa Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết như vậy.
Theo bác sĩ Quỳnh Trang, trẻ đi học để có những hiểu biết căn bản ở lứa tuổi đó. Phụ huynh phải xác định cho trẻ đi học không phải để rèn chữ mà là để ít ra trẻ hiểu được mình là trai hay gái, có kỹ năng sống... Giao tiếp và mối tương tác xã hội rất quan trọng với trẻ tự kỷ, giúp trẻ có thể làm người khác hiểu mình.
Nhiều phụ huynh trao đổi với bác sĩ Quỳnh Trang (bìa trái)
Chuyện của người mẹ có hai con bị tự kỷ
Khi biết Bill, cậu con trai đầu lòng bị tự kỷ, vợ chồng chị Cái Thị Ngọc Thủy (điều phối viên Tổ chức ADEC và Tổ chức Extended Family của Úc) thấy cuộc sống thật đen tối. Làm sao giúp con mình? Tương lai con sẽ như thế nào? Họ đi rất nhiều nơi, gặp nhiều bác sĩ và chuyên gia. Rồi chị Thủy quyết định mang tương lai đến cho con, dù chỉ là hi vọng rất mong manh.
Chị dành hai năm học để hiểu tâm lý trẻ tự kỷ, cách dạy trẻ tự kỷ... “Tôi tập cho con hiểu điều mình nói bằng cách đưa hình ảnh cho con. Lúc đầu tôi chỉ dạy ba hình quan trọng nhất là ly nước, tô cơm và nhà vệ sinh. Sau đó tôi làm hẳn ba trang, trong đó mỗi trang là hình thức ăn, loại nước ngọt và những vật dụng con thích. Bill thích gì chỉ đó. Tôi dùng hình kỹ thuật, rồi hình biểu tượng. Kế tiếp dùng chữ viết rồi mới dùng ngôn ngữ. Ngày trước mỗi lần Bill muốn ăn cái này, cái kia, uống nước ngọt... cứ chỉ tủ lạnh hoặc tự động đến lấy. Tôi không lấy giúp Bill mà khóa tủ lạnh lại, dỗ con nói. Nếu mình làm giúp con, dần dần con sẽ không nói luôn. Không luyện khi còn nhỏ, đợi đến lúc 5, 7 tuổi mới dạy rất khó” - chị Thủy chia sẻ.
Chị khẳng định: “Cha mẹ hiểu con mình nhất. Chuyên gia chỉ là người hướng dẫn lý thuyết, còn khi mình dạy con phải tự điều chỉnh cho phù hợp. Kinh nghiệm của tôi là dựa vào sở thích của con rồi dạy con. Mỗi ngày đôi khi con chỉ học được 2 phút, 5 phút nhưng vẫn cứ kiên trì. Phải thật kiên trì và có niềm tin. Bill 5 tuổi mới biết nói và giờ đã biết viết”.
Khi đưa Bill từ trường đặc biệt ra trường ngoài, chị Thủy cho biết đã chủ động lập thời gian biểu cho con, thực hành cùng con thời gian đầu: “Tôi mạnh dạn xin cô cho vào lớp cùng con, hướng dẫn con một tuần (nếu không có giáo viên phụ). Chẳng hạn để cho con biết xếp hàng, tôi đặt một tấm thảm tròn nhỏ bắt con xếp hàng trong đó”. Một kinh nghiệm chị Thủy chia sẻ thêm là đừng để con trống thời gian. Như Bill, chị Thủy cho con đi học thêm đàn, một số môn thể thao dù biết con chịu ngồi học được rất ít. Chị nói: “Tôi biết con chỉ chịu ngồi 5 phút, 10 phút nhưng vẫn đăng ký cho con học để tạo cho con thói quen. Cha mẹ nên chủ động lập thời khóa biểu cho con rồi đi cùng con”.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang nhấn mạnh cha mẹ cần học lớp kiến thức cơ bản về trẻ tự kỷ. Không có chương trình chung cho tất cả trẻ tự kỷ nên cha mẹ phải làm việc với giáo viên và phối hợp với nhân viên y tế để có các đánh giá toàn diện về trẻ. Bảng đánh giá này được làm lại sau ba tháng.
Giáo dục giới tính càng sớm càng tốt
Bác sĩ Quỳnh Trang cho rằng cha mẹ giáo dục giới tính cho trẻ tự kỷ càng sớm càng tốt. Khi trẻ 3 tuổi thì phụ huynh nên cho con mặc quần lót để giúp con phân biệt giới tính của mình. Bác sĩ Trang khuyến cáo: “Nhiều người cứ đợi tới lúc 5 tuổi hay 13 tuổi mới giáo dục giới tính cho con là sai lầm. Có người giáo dục giới tính bằng cách tắm chung với con rồi lấy mình ra chỉ. Không được. Cha mẹ và con phải có giới hạn. Dạy trẻ tự kỷ phải thật sự kiên trì. Nhiều phụ huynh không đủ kiên trì và không có niềm tin để chờ đợi đến một ngày thấy được hiệu quả của một phương pháp giáo dục được áp dụng với trẻ tự kỷ. Nhưng cứ đi rồi có ngày sẽ tới”.
Chị Ngọc Thủy chia sẻ: “Cha mẹ nên cởi mở khi giáo dục giới tính cho trẻ tự kỷ vì sẽ giúp con nhiều hơn. Con trai của tôi dậy thì lúc 12 tuổi, hiện Bill 13 tuổi. Bill không hiểu những hành động nào là cá nhân, hành động nào không được thể hiện ở nơi công cộng. Chẳng hạn ra đường Bill nhìn con gái từ trên xuống dưới chứ không nhìn lén. Tất cả những điều này mình phải dạy cho con hiểu. Tôi lấy hình vẽ một cô gái đẹp, phần trên viết chữ OK, còn phần dưới tôi gạch chéo để con hiểu là không được phép nhìn. Nhiều phụ huynh không biết can thiệp sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề cho con”.
Những dấu hiệu báo động đỏ để nhận biết trẻ bị tự kỷ Trẻ trước 12 tháng tuổi không có phản ứng khi gọi tên, trước 14 tháng tuổi trẻ không biết chỉ điều mình thích, trẻ dưới 18 tháng tuổi không biết chơi trò giả vờ, tránh tiếp xúc bằng mắt và thích chơi một mình, không hiểu cảm xúc của người khác hoặc khó khăn khi bộc lộ cảm xúc của mình, ít có cử điệu (vẫy tay, tạm biệt, làm xấu...), chậm nói hoặc có vấn đề về diễn đạt ngôn ngữ, lặp lại lời nói hay câu nói, trả lời câu hỏi không đúng ngữ cảnh, bận tâm dai dẳng vào một điều gì quá mức, có sự phản ứng kỳ lạ với âm thanh, ánh sáng... Nên tầm soát rối loạn tự kỷ ở trẻ từ 16-30 tháng. Bác sĩ HOÀNG VŨ QUỲNH TRANG |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065