BP - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa ký ban hành Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV về tăng cường phòng, chống bệnh khảm lá virus hại mì (sắn). Chỉ thị cho biết: Tháng 6-2017, bệnh khảm lá mì lần đầu xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh, đến nay đã lan rộng, gây hại trên 90% diện tích trồng mì ở Tây Ninh và đang lan ra các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có trồng mì thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá mì các cấp; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nông dân không trồng các giống mì nhiễm bệnh, trong đó nghiêm cấm mua bán, trồng giống mì HLS11.
Sau 14 tháng phát hiện và khi bệnh lây lan trên 90% diện tích mới có đề nghị thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thì người dân trồng cầm chắc thua lỗ nặng. Để trồng vụ mì năm nay, người trồng mì ở miền Đông Nam bộ nói chung và nông dân Bình Phước nói riêng phải mua 50-70 ngàn đồng/bó cây giống, trong khi mọi năm giá chỉ từ 20-30 ngàn đồng/bó, năng suất vườn nào giữ được cũng chỉ còn 50-60%, giảm từ khoảng 37-40 tấn/ha còn 23-25 tấn/ha. Trồng mì được mùa lời lãi cũng chẳng đáng là bao, chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ. Với vốn đầu tư và năng suất giảm như vậy, nông dân sẽ mất đứt tiền lời của mấy năm cộng lại. Người làm nhiều như ông Nguyễn Văn Bích ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng, sang xã An Khương, huyện Hớn Quản thuê 160 ha trồng mì, đầu tư 25 triệu đồng/ha, năm nay bị bệnh toàn bộ, thua lỗ có khi lên tới cả tỷ đồng.
Cũng như cây mì, vụ điều 2016, 2017, sâu bệnh hại trên diện rộng đã làm nông dân điêu đứng. Những gia đình trồng nhiều thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng/vụ. Nguyên nhân bởi nông dân bó tay trước sâu bệnh tấn công vườn của gia đình, còn ngành nông nghiệp thì... bất lực. Với 135.000 ha điều và 1.100 ha mì, giả sử thiệt hại 10 triệu đồng/ha thôi, mỗi vụ nông dân Bình Phước đã mất đi 1.360 tỷ đồng. Thực tế việc giảm năng suất, mất mùa, hoặc như cây mì muốn không bị bệnh tái phát mùa sau thì phải phá bỏ hoàn toàn, để đất trắng ít nhất 1 năm, con số thiệt hại còn lớn hơn thế nhiều.
Người Việt có thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” để chỉ trường hợp không đề phòng trước, để sự việc xảy ra rồi mới ứng cứu, lo liệu phòng thân. Trong sản xuất nông nghiệp và trong xã hội hiện đại ngày nay, câu thành ngữ này còn có thể hiểu là việc xử lý, giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tế chậm trễ, thiệt hại nghiêm trọng rồi mới “nghiêm cấm” thì không còn bao nhiêu tác dụng, thậm chí có thể vô tác dụng! Và chưa tính 17.000 ha hồ tiêu cũng đang như ngồi trên đống lửa vì bệnh hại tràn lan, chỉ với 2 cây điều, mì, nông dân Bình Phước không phải là mất bò, mà đã mất voi rồi!
Ngành nông nghiệp có nhiều nhiệm vụ và một trong số đó là hỗ trợ nông dân sản xuất. Mì bị virus, điều bị sâu, tiêu bị bệnh, nông dân dù có mò mẫm tự cứu chữa như thế nào đi nữa, cũng khó có thể bằng các thạc sĩ, tiến sĩ, giám đốc... của ngành nông nghiệp nếu như những công bộc này xắn tay rốt ráo vào việc. Bài học từ những vụ điều, vụ tiêu mấy năm qua và nay thêm cây mì, thực rất đắt giá. Nếu nhanh tư duy, nhanh công văn, nhanh chỉ thị, nhanh tìm ra giải pháp hỗ trợ hơn, hàng ngàn nông dân đã không rơi vào cảnh khó khăn và cả xã hội cũng không phải lo xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm hộ dân trong nay mai.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065