Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 7 là đồng bào cả nước lại hướng về những người Mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với một niềm tri ân sâu sắc. Sự tri ân, tưởng nhớ của những người đang sống đối với những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc đã trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trở thành truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta.
Nhiều năm qua, cũng như mọi thành viên trong cơ quan, tôi rất tự hào khi hằng tháng trích một phần nhỏ từ lương để phụng dưỡng mẹ liệt sĩ. Và từ khi thành lập đến nay, cơ quan tôi đã phụng dưỡng hai mẹ liệt sĩ đến hết đời. Ngoài ra hằng năm, lãnh đạo cơ quan còn liên hệ, kết nối các mạnh thường quân để xây dựng một căn nhà tình thương tặng gia đình thương binh; đồng thời giao trách nhiệm cho đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động về nguồn để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ... Những việc làm tuy nhỏ ấy đã dần định hình nên một triết lý sống cho mọi thành viên trong cơ quan, nhất là với những người trẻ, rằng “uống nước” thì phải biết “nhớ nguồn”.
Với mỗi người dân Việt Nam đang được sống trong tự do, độc lập, sự hy sinh to lớn của các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công là vô bờ bến, không gì bù đắp được. Với tâm niệm ấy, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo cho gia đình chính sách. Không những thế, bằng các cuộc vận động, các chương trình thi đua yêu nước hướng đến nhóm đối tượng này, việc chăm lo cho gia đình chính sách không chỉ là việc của Đảng, của Nhà nước mà đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Mỗi tổ chức, đoàn thể; mỗi cơ quan, đơn vị; mỗi địa phương, ngành... đều có những việc làm thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; nhận đỡ đầu mẹ liệt sĩ, thương binh nặng; tạo việc làm cho con thương binh, liệt sĩ... tất cả đã tạo nên phong trào xã hội hóa chăm sóc gia đình chính sách, người có công và đã huy động được một nguồn lực không nhỏ.
Cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhiều thương binh, gia đình chính sách đã vượt lên sự mất mát, hy sinh, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống và trở thành những tấm gương sáng về lao động, sản xuất hoặc đóng góp nhiều công sức cho xã hội. Tiêu biểu là tấm gương của thương binh hạng 1/4 Trịnh Đình Cây ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long. Từ một người làm thuê, buôn bán nhỏ, ông đã trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền với 70 ha cao su. Thu nhập sau khi trừ chi phí trên 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên, 30 lao động thời vụ. Hay thương binh hạng 4/4 Cao Văn Hưng ở ấp Long Bình, xã Tân Quan (Hớn Quản), không chỉ là nông dân sản xuất giỏi với hơn 6 ha trồng cao su, điều, ông còn thường xuyên tham gia công tác xã hội với các nhiệm vụ: cán bộ thương binh - xã hội, thu thuế, chữ thập đỏ của xã Phước An (Hớn Quản) và hiện là Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Quan. Công việc nào ông cũng tận tụy để hoàn thành và luôn hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống...
Với một đất nước có hàng triệu gia đình chính sách, người có công, việc tuyên truyền, giáo dục để mọi người cảm nhận và cùng tham gia tri ân gia đình chính sách, người có công là trách nhiệm, cũng là đạo lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065