Đại biểu dân cử là cách gọi tắt và thường dùng của người dân để chỉ các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu này do cử tri bầu ra, đại diện cho nhân dân, mang ý chí và nguyện vọng của cử tri tới các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của quốc gia hoặc ở các địa phương.
Thực tế trong thời gian qua, đại đa số đại biểu dân cử đã trung thành với lời hứa trước cử tri trong quá trình tranh cử, phát huy năng lực, tận tâm với nhiệm vụ được giao để phục vụ nhân dân, xứng đáng là người được nhân dân tin cậy, được nhân dân giao quyền lực để điều hành, quản lý xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn có đại biểu đã không hoàn thành tốt trách nhiệm với dân, tham nhũng, làm hại dân, hại nước hoặc năng lực hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến công việc chung. Để hạn chế tình trạng này, bộ máy công quyền đã có những tổ chức làm nhiệm vụ giám sát, nhưng sự giám sát đó chưa thể bao quát được tất cả hoạt động, mọi mặt, mà chủ yếu giám sát hoạt động chuyên môn của đại biểu dân cử. Còn những khía cạnh khác như tư cách đạo đức, chấp hành hương ước, quy ước ở khu dân cư, cư xử với nhân dân ở khối phố, làng xóm... thì các cơ quan khó có thể giám sát hết được. Chính vì vậy, rất cần sự giám sát, "chấm điểm" của nhân dân để bổ sung, hỗ trợ cho giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khóa XIII |
"Chấm điểm" đại biểu dân cử được hiểu là theo dõi, kiểm tra xem họ có hoàn thành nhiệm vụ theo quy định không, có thực hiện được những điều họ đã hứa với nhân dân trong bầu cử, trong tiếp xúc cử tri hay không, có giữ được phẩm chất chính trị và tư cách đạo đức của người cán bộ không, có phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri tới các cơ quan dân cử hay không? Mục đích của việc "chấm điểm" đại biểu dân cử là đưa ra được những nhận xét khách quan, cả về ưu, khuyết điểm, về thực hiện nhiệm vụ được giao, về tư cách đạo đức để từ đó giúp họ khắc phục hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức danh được bầu.
Thực tế thời gian qua, ở một số địa phương cũng đã tổ chức việc "chấm điểm" hằng năm đối với đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm đánh giá, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trước cử tri. Tuy nhiên, việc "chấm điểm" này mới chỉ dừng lại ở mức từng đại biểu tự đánh giá, tổ đại biểu nhận xét.
Để việc "chấm điểm" đại biểu dân cử một cách khách quan, chính xác, nên giao nhiệm vụ quan trọng này cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho nhân dân trong các lĩnh vực như tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; giám sát đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước; giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội của Nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền… Nếu được giao thêm việc "chấm điểm" đại biểu cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có điều kiện tốt hơn để tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065