BPO - Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có câu “an cư lạc nghiệp”. Ý nghĩa của câu này là khi bắt tay vào một công việc sản xuất hay kinh doanh thì cần phải ổn định nơi ăn chốn ở. Nói cách khác, khi người ta có một chỗ ở, không gian, nơi trú ngụ ổn định, thoải mái thì sự nghiệp, hoặc mọi công việc hay hoạt động của họ ắt sẽ phát triển, đạt được thành quả, thuận lợi như mong muốn. Và với ngày nay, để chứng minh ai đó đã “an cư” thì điều kiện đầu tiên và tối quan trọng là họ phải có trong tay “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (GCNQSDĐ). Thế nhưng, hiện việc cấp GCNQSDĐ, nhất là đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng ở Bình Phước diễn ra với tốc độ “rùa bò”. Và điều này đã và đang là lực cản của công tác xóa đói giảm nghèo. Vì không có “sổ đỏ”, người dân không thể tiếp cận những chính sách ưu đãi của nhà nước để từ đó “vượt qua chính mình”.
Cấp “sổ đổ” - thực trạng, và…
Không phải đến nay, mà đã từ nhiều năm nay, trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và của cả đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri đã phản ảnh về việc cấp (GCNQSDĐ) trên địa bàn tỉnh quá chậm. Thậm chí, có không ít cử tri đã lên tiếng yêu cầu cơ quan chức ngăng làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm cấp GCNQSDĐ đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng theo Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 17-10-2016, của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 9-2-2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 08).
Qua tìm hiểu và được biết, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 9-2-2017 thay thế Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 6-6-2013, quy định về chính sách đất đối với quỹ nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan (Tài chính, NN&PTNT, Tư pháp, Thuế, …) để triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Cụ thể, từ tháng 4-2017 đến tháng 6-2018, trên cơ sở kết quả làm việc với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị có đất nông nghiệp giao về địa phương quản lý, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp để xử lý những vấn đề vướng mắc trong khi thực hiện Quyết định 08.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành 04 Thông báo (số 165/TB-UBND ngày 13-7-2017, số 82/TB-UBND ngày 11-4-2018, số 146/TB-UBND ngày 31-5-2018 và số 167/TB-UBND ngày 31-5-2018), về việc kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh tại các cuộc họp xem xét giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 08. Tiếp đó, UBND các huyện, thị xã đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xét cấp GCNQSD đất cho người sử dụng đất theo Quyết định 08. Tuy nhiên, kết quả thực hiện Quyết định 08 trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch chung của tỉnh, tỷ lệ cấp GCNQSD đất vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Và theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), tính đến ngày 30-10-2018, tiến độ cấp GCNQSDĐ đối với quỹ nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh như sau: Tổng diện tích đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần giao về địa phương theo các quyết định là 162.275 ha, nhưng diện tích thực tế sau khi các huyện, thị xã rà soát lại là 159.440,2 ha. Trong đó, tổng diện tích cần cấp GCNQSDĐ là 120.065,2 ha. Và tổng diện tích đã cấp GCNQSDĐ là 36.922,6 ha, đạt 30,75% trên tổng diện tích cần cấp GCNQSD đất. Ngoài ra, một số huyện, thị xã đang thực hiện xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ theo các dự án đo vẽ bản đồ địa chính, đo chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký cấp GCNQSDĐ (đo đạc chính quy).
….Những nguyên nhân chủ yếu
Về chủ quan, UBND một số xã, phường chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân trong việc thực hiện Quyết định 08. Do đó, có nhiều người dân chưa hiểu rõ chính sách giao đất, cho thuê đất nên chưa đến liên hệ cơ quan chuyên môn để làm thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSD đất để cấp phát cho người dân. Đặc biệt, có nhiều xã chưa chú trọng công tác xét duyệt hồ sơ địa chính, nhất là trong các khu đo đạc chính quy. Cụ thể là có xã tập trung hồ sơ của dân lại rồi xét duyệt một lúc nên số lượng hồ sơ cần xét duyệt đồng loạt bị dồn ứ rất lớn, dẫn đến chậm tiến độ in GCNQSDĐ và ký cấp GCN.
Về khách quan, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa có quy quy định rõ ràng, chậm ban hành đối với việc xác định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ngày 29-9-2017, Bộ TN-MT mới ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2017) quy định việc xác định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Mặc dù Thông tư 33 đã quy định khá rõ việc xác định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc trong việc xem xét đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại điều 3. Cụ thể là, đối với hộ gia đình làm công nhân cho các công ty cao su, các khu công nghiệp và các công ty tư nhân, doanh nghiệp tư nhân; đối với hộ gia đình đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động; đối với hộ gia đình thuộc đối tượng thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc đối tượng hưởng trợ cấp một lần khi thôi việc; đối với hộ gia đình có thành viên dưới 18 tuổi (đang là học sinh) có được xét là trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không?
Vướng mắc thứ hai là việc xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo Điều 3 Thông tư 33 đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể tại điểm d, Khoản 4, Điều 3 của Thông tư số 33 có quy định như sau: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì cơ quan có trách nhiệm gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và UBND cấp xã nơi có đất đề nghị xác nhận theo quy định…Và với quy định không hề có chế tài như vậy, nếu UBND xã A, hoặc xã B không xác nhận thì việc cấp GCNQSDĐ cho ai đó là không thể thực hiện.
Khó khăn, bất cập thứ ba là việc thanh lý hợp đồng giao khoán còn gặp nhiều khó khăn do người dân làm mất hợp đồng. Đối với những trường hợp đã chuyển nhượng bằng giấy tay qua nhiều chủ thì việc phải xử lý tài chính liên quan đên hợp đồng giao khoán là vô cùng khó. Bên cạnh đó, tình trạng các hộ dân sử dụng đất là người ngoài địa phương, nên họ chỉ đến thửa đất để thu hoạch tại thời vụ, dẫn đến khó khăn trong việc liên hệ để tuyên truyền vận động đăng ký cấp GCQSDĐ.
Thứ tư là trong tỉnh có không ít trường hợp người sử dụng đất thuộc đối tượng phải thuê đất, nhưng không đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đăng ký cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, hiện đa số các hộ gia đình, cá nhân còn trông chờ Nhà nước đo đạc chính quy để được đăng ký cấp GCNQSDĐ. Vì họ không muốn tốn chi phí cho việc này. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các địa bàn chưa đo đạc chính quy, như: Huyện Hớn Quản, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long.
Giải pháp và trách nhiệm
Từ thực trạng trên đây cho thấy, để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ đất đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở TN-MT. Bởi vì, nếu Sở TN-MT không chủ động trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tìm ra giải pháp và đề xuất với Bộ TN-MT và UBND tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật và từ cơ sở, thì việc cấp GCNQSDĐ cũng sẽ dậm chân tại chỗ. Đồng thời, việc xây dựng phương án kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập hồ sơ địa chính chính quy đối với phần diện tích đất tách ra khỏi lâm phần, nhất là tại các khu vực chưa đo vẽ bản đồ chính quy, nếu không được triển khai thực hiện sớm và đồng bộ thì người dân vẫn còn phải chờ.
Đối với UBND các huyện, thị xã đặc biệt là người đứng đầu chính quyền nếu không quan tâm đẩy nhanh việc thực hiện cấp GCNQSDĐ đất theo Quyết định 08 của UBND tỉnh, thì chủ trương này không thể có kết quả cao. Tuy nhiên, nếu không tạo được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và mọi giải pháp cũng chỉ là trên giấy. Và để làm được việc này, thì công tác tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân trong việc thực hiện Quyết định 08 là điều không thể không làm và phải đi trước. Vì có như vậy, người dân sẽ chủ động liên hệ cơ quan chuyên môn để thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ.
TH
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065