“Chưa một lần đặt bút viết về cha
Giờ mới thấy con vô tình đến vậy...”
BP- Khi vô tình đọc được bài thơ trên một tờ báo của người con viết về cha mình, day dứt bởi những lời chưa kịp nói cùng cha thì cha đã ra đi mãi mãi, tôi bỗng giật mình nhìn lại cuộc sống của mình với những tháng ngày tất bật, đã bao giờ tôi viết về cha, về những tình cảm tôi dành cho cha, hay về những kỷ niệm tháng ngày bên cha?
Có lẽ, khi tôi ngồi viết những dòng này thì cha tôi đang ngồi lọ mọ gõ từng con chữ trên bàn phím máy tính. Cha đánh thuê văn bản cho người ta để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn trong thời “bão giá”. Gia đình tôi có 6 anh chị em và tôi là út, các anh chị lần lượt lập gia đình và có cuộc sống riêng. Ở nhà, chỉ còn lại chị gái kế tôi làm nghề thợ may sống cùng cha mẹ. Với nỗ lực nuôi 6 đứa con ăn học, đứa làm nhà nước đứa học nghề rồi ra mở tiệm, con cái nên người cũng là lúc cha mẹ còng lưng vì tháng ngày lam lũ ruộng đồng và gánh nặng tuổi tác.
Khi chúng tôi còn nhỏ, ngoài công việc ruộng vườn, làm thuê cha còn kiêm thêm cả công việc làng xã mà không hề nhận phụ cấp. Vậy mà cha vẫn miệt mài suốt 20 năm. Tài sản đến giờ cha có được là những bằng khen, giấy khen và huân, huy chương mà cha quý như bảo bối, cất giữ cẩn thận trong đáy tủ lâu lâu lại lấy ra lau chùi, ngắm nghía. Ngày tôi xa nhà bắt đầu cuộc sống mới là lúc cha tôi lọ mọ đi học tin học. Tôi không thể tin là sau một năm kiên trì theo đuổi, cha tôi đã lấy được chứng chỉ tin học và thành thạo các thao tác căn bản của tin học văn phòng, lúc ấy cha tôi đã ở tuổi 64.
Cha bảo rằng, không còn trẻ để tiếp tục làm thuê bằng sức lao động chân tay nên cha muốn học để lao động bằng trí óc với sự hỗ trợ của máy móc. Mấy chị em tôi góp lại mua cho cha một chiếc máy vi tính và một chiếc máy in vẻn vẹn 10 triệu đồng để cha ngày ngày nhận đánh văn bản cho các cô, các chú trong ấp và ở UBND xã. Chỉ dăm bảy ngàn cho những văn bản ấy cha cũng đủ tiền mua cá mắm hàng ngày cho hai ông bà, còn mẹ thì làm nội trợ lặt vặt trong nhà. Cha thường bảo, cha không muốn là gánh nặng cho con cái nên sức cha còn làm được đến đâu thì ráng đến đó. Lễ tết, chúng tôi biếu cha mẹ ít tiền, cha cũng chỉ nhận một phần, còn lại cha bảo để dành cho các cháu. Tôi đi làm xa nhà đã ba năm, cuộc sống ở trọ với bao lo toan vặt vãnh cơm, áo, gạo, tiền cộng thêm việc học thêm lên đại học đã chiếm của tôi hầu hết thời gian, đến nỗi tôi không kịp nhận ra mình đã quá vô tâm với cha mẹ.
Giờ ngồi đối diện cùng những con chữ, kỷ niệm về cha như dòng nước mát dịu cứ ùa về lấp đầy tâm trí đủ làm mắt tôi cay xè. Mỗi lần tôi về thăm nhà đem biếu cha hộp sữa, lạng trà, cha lại bảo tôi lãng phí phải để dành tiền lo cho việc học. Rồi cha mẹ lại đuổi gà, bắc nồi cơm nếp vì biết tôi mê nhất món này...
Kỷ niệm, tình cảm mà cha mẹ đã dành cho anh chị tôi trong suốt quãng đời thơ ấu cũng như lúc đã trưởng thành, dẫu hôm nay có ngồi đây để viết về cha cũng không thể nào nói hết. Nhưng tôi không muốn phải hối hận như người con trong bài thơ trên. Dù là ít ỏi, dù là có hơi muộn màng nhưng tôi tin chắc khi đọc được những dòng này, cha tôi sẽ cảm nhận được tình yêu thương của con cái dành cho mình. Đó sẽ là liều thuốc tinh thần giúp cha tôi vượt qua những chứng bệnh của tuổi già để sống lâu cùng con cháu.
Lê Thị Nam Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065