Chị Ngọc Mai thân mến!
BP - Con trai tôi đang học THPT. Cách đây khoảng 3 tháng, cháu hỏi ba mẹ cho bạn thân vay 5 triệu đồng để giải quyết việc gia đình, hẹn 1 tháng sau sẽ trả. Gia đình tôi có nguồn thu từ rẫy cao su nên việc cháu hỏi tôi thu xếp được. Nhưng quá hẹn, không thấy bạn cháu mang tiền đến trả nên tôi nhắc nhở và được cháu hứa sẽ hỏi lại bạn. Gần đây, trong một tức giận, tôi la cháu: “Hay mày câu kết với nó vay tiền ba mẹ rồi “xù” luôn để lấy tiền tiêu xài hả? Mày cần tiền thì nói chứ sao lại giở trò lừa gạt ba mẹ như thế?”. Nghe vậy, cháu đừng đùng thu dọn quần áo và bỏ đi. Vợ tôi khóc lóc, ngăn cản nhưng cháu nói: “Mẹ yên tâm, khi nào kiếm đủ tiền trả ba con sẽ về”.
Cháu đã bỏ học 3 tuần. Nhà trường gửi giấy về thông báo cho gia đình. Vợ tôi đi tìm kiếm, thăm dò qua bạn bè và biết cháu đang ở với bạn. Mặc mẹ khóc lóc, năn nỉ, cháu vẫn một mực khẳng định: “Con không thể chịu đựng được sự xúc phạm của ba đối với chúng con như thế. Ba bạn ấy gặp tai nạn nên chưa xoay sở kịp để trả cho ba mẹ chứ con đâu muốn thất hứa. Ba chưa cho con giải thích nguyên nhân mà đã suy diễn nói chúng con chẳng ra gì...”.
Vợ tôi buồn bã chẳng thiết ăn uống và quay ra trách móc tôi nói năng không suy xét kỹ để đến nông nổi này. Giờ chẳng biết làm cách nào để đón con về. Vợ tôi bắt tôi phải đi gặp cháu để nhận mình lỡ lời, mong con bỏ qua và trở về nhà. Nhưng tôi thấy rất khó chịu. Đành rằng là tôi đã nóng nên có sai nhưng phải hạ mình xin lỗi con trai mình ư?
Gia Quý (TX. Bình Long)
Anh Gia Quý thân mến!
Cha mẹ thường cho mình cái quyền là người lớn để quát nạt, mắng mỏ con cái, buộc chúng phải nghe theo mình. Cũng vì chủ quan mà nhiều khi sự việc diễn ra nghiêm trọng, khó kiểm soát. Có lẽ, giờ thì anh đã thấm thía, chỉ một lần suy nghĩ không chín chắn mà làm con mình tổn thương, gia đình xào xáo.
Dân gian có câu: “Muốn nói ngoa làm cha mà nói” cũng là nói tới thực tế cha mẹ thường dùng quyền hành của mình để áp đặt con cái. Xưa kia, theo quan điểm Nho gia, đạo làm con phải giữ trọn chữ hiếu, nhất nhất phải nghe lời người trên. Dù cha mẹ nói sai thì cũng không được phép cãi lời. Điều này cực kì phổ biến khi soi rọi vào chế độ phong kiến. Tuy nhiên, thời hiện đại thì sự áp đặt này đã không còn phù hợp và thường nhận lại sự phản kháng, thiếu nể phục từ con cái.
Con anh đang bước vào tuổi trưởng thành. Và nó có sự nhạy cảm hơn người lớn. Chúng đã biết rạch ròi tốt xấu, đúng sai. Khi cha mẹ có ứng xử không phù hợp rất dễ làm con cái thất vọng.
Biết rằng, cha mẹ mắc lỗi với con thì thật khó khăn khi xin lỗi, vì nghĩ như thế là “hạ mình”. Tâm lý này xuất phát từ nỗi lo mất uy với con. Nhưng thực tế, nếu cha mẹ có lỗi và xin lỗi con lại đang xây dựng cho chính đứa con một văn hóa đẹp trong ứng xử, tạo một kỹ năng sống tốt cho con. Và quan trọng hơn là anh cho con thấy nó luôn được tôn trọng. Anh chỉ thực sự mất uy với con khi mắc lỗi mà không thừa nhận.
Chuyện xảy ra chứng tỏ con trai anh rất có lòng tự trọng, không chịu nổi sự xúc phạm, dù người đó là cha mình. Chính anh cũng đã nhận thấy mình đã sai khi kết tội con một chuyện chưa có kiểm chứng.
Như vậy, anh còn chần chừ gì nữa mà không đến gặp và xin lỗi cháu? Đó là việc nên làm để cải thiện tình hình lúc này theo chiều hướng tốt đẹp. Vì sự bình yên của gia đình, vì tương lai của con, anh hãy nhanh chóng làm việc này nhé.
Ngọc Mai
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065