Rừng giáng hương trồng xen trong vườn tiêu đã già là tài sản vô giá của người lính về lại đời thường
Lính quân nhu “còn người, còn hàng”
Quê ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, năm 1967, tròn 18 tuổi Nguyễn Trọng Chiến đã là đảng viên, bí thư đoàn cơ sở, tình nguyện nhập ngũ. Với vóc dáng to cao, khỏe mạnh của người con miền biển nên ông được chọn vào Đoàn 50 - Cục Hậu cần, phục vụ chiến trường Đông Nam bộ, đóng tại suối Đá Bàng, Tây Ninh. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là dùng xe đạp thồ quân lương, vũ khí cung cấp cho các chiến trường và chuyển thương binh từ chiến trường về các bệnh viện quân giải phóng đóng dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Mỗi chuyến hàng xuất phát lúc 14 giờ đến rạng sáng hôm sau mới về đến đơn vị. Ông nói: “Không trực tiếp chiến đấu nhưng lính quân nhu cũng hoạt động dưới làn đạn, có ngày đoàn 8 người chở hàng đi, trên đường về bị địch phục kích chết 7, người sống sót còn lại phải 2 ngày sau mới tìm về đến đơn vị. Không ai biết trước được sống - chết, ngày nào về đến đơn vị có nghĩa là mình vẫn còn sống và tiếp tục chiến đấu”.
Ông Chiến kể, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được chuyển về quân giới, phục vụ chiến trường Quân khu 9. Quân giới có hơn 2.000 đảng viên, hòa bình về chỉ còn lại 300 người, 100% là thương binh. Đơn vị đóng tại Tà Dốt, giáp sông Sài Gòn. Chiến trường 9 ác liệt, có đêm B52 của địch càn quét rải thảm 29 lần, tàn sát những cánh rừng hòng tiêu diệt hết quân, lương, vũ khí của ta, nhưng với lính quân nhu thì “còn người - còn hàng”. Có khi địch rải chất độc hóa học, bộ đội hậu cần phải chờ 2 tháng sau mới vào được kho để lấy hàng cung cấp cho chiến trường. Có trận, chỉ với 10 người nhưng các ông đã đánh bại 1 đại đội địch. Cũng trận đánh đó ông Chiến bị thương và được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Năm 1972, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ cung cấp quân giới phục vụ chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Lộc Ninh. Ông được đi dự Đại hội thi đua Quyết thắng báo cáo thành tích của đơn vị. Lúc này, Cục Hậu cần chuyển về đóng tại Cầu Trắng, giáp ranh xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) và Tân Tiến (Bù Đốp), chuẩn bị tập kết quân lương, vũ khí cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tỏa sáng giữa thời bình
Sau 25 năm về gắn bó với vườn rẫy, vườn tiêu 2.000 nọc của ông Chiến giờ đã được thay bằng rừng gỗ giáng hương hơn 500 cây, tỏa bóng che mát ngôi nhà xây gọn gàng, sạch sẽ. Tài sản quý nhất của người lính là những huân, huy chương của một thời đánh Mỹ và đầy ắp những bằng khen của trung ương và tỉnh trong công tác xã hội ở xã biên giới Lộc Thành.
Ông Chiến gắn bó với xã biên giới Lộc Thành sau khi về hưu năm 1990. Ngày đó, một mình ông lầm lũi đào hố trồng tiêu, có tháng vợ, con ở thành phố chỉ gửi được ít cá cơm khô về nấu với rau tàu bay trong căn nhà lá buông tềnh toàng. Chiến trường đã tôi luyện cho ông ý chí và sức chịu đựng dẻo dai để làm một nông dân thực thụ. Từ 3 sào đất trồng 120 nọc tiêu nay gia đình ông đã có 2 ha đất trồng giáng hương. Ông còn phát triển được đàn bò hơn 30 con. Ông hiện là cựu chiến binh sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Năm 1994, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã. Ông Chiến đã xây dựng Câu lạc bộ 9999 của cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo. Năm 2007, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Lộc Ninh. Người cao tuổi Lộc Ninh luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, khuyến học - khuyến tài, trồng cây nhớ Bác... Riêng ông Chiến còn được bình chọn là điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Không chỉ vượt lên khó khăn nuôi các con ăn học trưởng thành mà từ trong nghèo khó, ông Chiến còn luôn nhớ lời Bác Hồ dạy “giúp bạn cũng chính là tự giúp mình” để sẵn sàng giúp đỡ đồng đội và những mảnh đời không may trong cuộc sống. Với nhiệm vụ Đảng giao, ở bất cứ cương vị nào, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Chiến cũng luôn hoàn thành và tỏa sáng phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065