BP - Mai, quất đã về lại với chủ vườn cũ để được chăm sóc, trông nom sau những ngày “mệt nhoài” khoe sắc. Chúng tôi theo dòng người trồng cây cảnh cổ thụ tìm về các khu vườn trên địa bàn Phú Riềng, Bù Đăng, Đồng Xoài tìm hiểu thị trường tết đối với các cây sanh và lộc vừng. Tuy nhiên, tới vườn nào cũng chỉ thấy cành lá sum suê, che kín cả thế đẹp của gốc và thân. Anh Vũ Văn Mắn, có 60 gốc sanh, lộc vừng trị giá 1,8 tỷ đồng ở khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện (Đồng Xoài) cho biết: “Thị trường cây cảnh cổ thụ xuống đã bao năm!”.
KHÔNG CÓ ĐẦU RA
60 gốc sanh đủ loại, có giá mua vào 4,5 đến 700 triệu đồng/gốc được anh Mắn “trưng bày” từ cổng nhà ra ngõ, dài 200m mà không sợ mất. Với “3 không” là không người chăm sóc, trông coi, cũng không ai tới mua, những chậu sanh trở nên cũ kỹ, đế lún sâu vào đất. Anh Mắn chia sẻ, chẳng biết lúc nào chúng có thể cho gia đình thu lại 1,8 tỷ đồng tiền vốn đã bỏ ra.
Thân cây sống hàng chục năm, lá già xanh thẫm, lá non nảy lộc đỏ nõn khiến người người săn trồng sanh, lộc vừng. Nhà nào trồng được cây lộc vừng có bông trổ dài từ cành xuống gần mặt đất, đỏ tươi, thơm nức cả một vùng hay sở hữu cây sanh có thế đẹp tự nhiên, ít “dao kéo” là như có cả gia tài. Người biết chơi cây cảnh lẫn người không biết cũng ngày ngày kéo đến thưởng thức cho thỏa mãn. Với vẻ đẹp tự nhiên, giản dị của cây cảnh cổ thụ, mọi người không còn xem chúng là cây che bóng mát, tạo không khí trong lành cho khuôn viên sân vườn nữa, mà chúng là biểu tượng của một gia đình thịnh vượng, một gia chủ tao nhã, mến khách. Chính sự lên ngôi của thú chơi này từ những năm 2005-2010 đã cho nhiều nhà vườn nguồn thu nhập cao. Cây ít thì lời 500 đến 700 ngàn đồng, cây nhiều thì hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng sau dăm bảy năm chăm sóc, tạo thế. Anh Mắn cũng thuộc trong số đó, ăn nên làm ra từ sanh, lộc vừng.
Ngọc kỳ lân nở bông đỏ rộ đem lại niềm vui thưởng hoa của ông Tâm
Nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài khiến các tay săn cây cảnh cũng e dè trước gốc sanh 5 năm tuổi với bộ đế đẹp tự nhiên, không bị cưa cắt mà trước đây được anh Mắn mua vào với giá 700 triệu đồng. 60 gốc sanh, lộc vừng khác trị giá thấp hơn, có cây 4 đến 5 triệu đồng, cũng đứng nguyên ngoài ngõ. Cây sanh đẹp như tranh vẽ, trị giá gần 1 tỷ đồng nép mình sau bức tường rào nhà hàng xóm. Không ai mảy may. Chỉ anh Mắn biết cành, lá sanh ngày ngày vươn xa khỏi thế cây, trở thành một lá cây bình thường ở phía ngoài tường rào nhưng cũng đành chậc lưỡi: “Xanh tốt như thế là cây không bị bệnh. Cắt tỉa liệu có ích gì”.
Tương tự, ông Vương Ngọc Chánh Tâm ở thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng cũng phải chịu tình trạng nhiều cây cảnh cổ thụ bị ế. Dẫu trước đây ông cố tình chọn trồng những loại cây lạ, có giá trị nhằm tránh trùng lắp đầu ra. Ông Tâm cho biết: “Mỗi ngày vẫn có người chơi cây tìm đến vườn nhưng họ chỉ xem, không dám bỏ hàng chục triệu đồng để mua về chưng”. Ngọc kỳ lân (dân gian còn gọi là cây tha la, cây sa la, cây đầu lân...) có giá 45 triệu đồng, một trong hai cây ra nhiều bông nhất ở Bình Phước, không thể “xuất ngoại”. Cây đa lá đỏ đã 35 năm tuổi cũng hơn 24 năm trời đứng nguyên một chỗ trong vườn nhà. Cây thần kỳ có giá trị với những người bị bệnh tiểu đường cũng yên phận trên chậu cảnh. Tất cả chưa thể đem lại cho ông giá trị đích thực của chúng.
Theo các chủ vườn, ngoài nguyên nhân kinh tế sụt giảm, người người tiết kiệm ngay cả trong kinh doanh - đầu tư còn có lý do khác khiến cây cảnh cổ thụ bị ế ẩm. Đó là chúng quá cao lớn và sống lâu năm. Diện tích sân vườn gia đình không đủ rộng để một người chơi cây cảnh có thể trồng được nhiều loại cây này. Mặt khác, sanh, lộc vừng, ngọc kỳ lân, đa lá đỏ... thường được trồng nhiều trong đền chùa, miếu điện với ý nghĩa làm nơi trú ngụ cho các linh hồn và thần linh nên người chơi cây chỉ muốn trồng một gốc thật đẹp trong vườn. Khi ý tưởng trồng cây cảnh cổ thụ nảy sinh, mọi người sẽ bỏ ra hằng năm trời để săn lùng, tìm mua bằng được. Hơn nữa, thời hoàng kim của sanh, lộc vừng, ngọc kỳ lân... đã qua gần 6 năm khiến từ khuôn viên công ty, doanh nghiệp đến sân vườn ở các biệt thự, nhà vườn hay nhà cấp bốn đã rợp sắc xanh của chúng. Số người mua cây cảnh cổ thụ vì thế bị bó hẹp lại.
ĐẦU TƯ VÀO HƯỚNG ĐI MỚI
Khi thị trường cây cảnh cổ thụ bị giảm sút kéo dài, các chủ vườn cũng có nhiều cách thích nghi và phát triển kinh tế gia đình. Họ chắt chiu vốn mua rẫy trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Và thay vì chăm sóc sanh, lộc vừng, các chủ vườn để cây tự sinh tự trưởng, dồn sức đầu tư công và phân bón vào mai, quất, lan, xương rồng... Các loại dịch vụ trong chăm sóc cây cảnh vốn đã có từ lâu nay bắt đầu được nhà vườn chú trọng, tăng cường hoạt động và đạt hiệu quả.
Cây đa lá đỏ đứng nguyên trong vườn nhà ông Tâm đã hơn 20 năm
Ông Tâm cho biết: “Người chơi lan ngày càng thích chơi cả vườn, không chơi từng cây như trước nên các giống lan được lai tạo mới và nhập ngoại của tôi luôn có nhiều người tìm đến mua”. Nhờ thế, ngoài thu 20 đến 30 triệu đồng từ cho thuê mai, ông Tâm cùng các con có nguồn thu hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình trồng xen giữa lan, xương rồng và điều. Tương tự, cuối năm 2016 gia đình anh Mắn sẽ có thu từ 2 ha tiêu sạch 3 năm tuổi. Gánh nặng do 1,8 tỷ đồng bị “đóng băng” ở “ngân hàng”, sanh và lộc vừng nhờ thế được giảm bớt.
Không có đất rẫy nhiều, các anh Nguyễn Văn Vinh, Lê Đình Tuấn, Lê Đăng Quang, Kim Văn Nhật - hội viên Hội sinh vật cảnh xã Long Tân (huyện Phú Riềng) - cũng có mức thu nhập 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng nhờ chăm sóc cây cảnh cho Nông trường 9 (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng). Nhiều anh còn tăng cường nhận xây lắp hòn non bộ, xây dựng tiểu cảnh, thiết kế sân vườn và các loại chậu cảnh, phối đá cho công ty, gia đình có yêu cầu. Hội sinh vật cảnh xã cũng cung cấp các loại giống điều ghép, tiêu, cao su... và tư vấn, phòng trị bệnh cho cây cảnh. Các loại dịch vụ chăm sóc cây cảnh mang lại cho nhà vườn nguồn thu hàng triệu đồng mỗi tháng.
Ông Nguyễn Mạnh Cúc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân khẳng định: Với những cách làm hiện nay cùng định hướng cho hội viên sản xuất hàng hóa, chọn lọc sản phẩm phù hợp theo nhu cầu từng khu vực để tránh khủng hoảng thừa - thiếu sẽ đưa hội sinh vật cảnh của xã phát triển thành “hội nghề nghiệp”. Ngoài ra, việc đào tạo tay nghề cắt tỉa cây cảnh cho nhiều lao động dư thừa tại địa bàn của hội đã giúp người dân trong xã có thêm thu nhập từ chăm sóc cây cảnh thuê.
Ra về trong tiết chiều xuân, chúng tôi vui trước cảnh người trồng sanh, lộc vừng... đã có nhiều cách sống được với nghề, để tiếp tục sáng tạo những gốc sanh, lộc vừng nghệ thuật. Và cũng không khỏi khôn nguôi trước nỗi lòng đau đáu của ông Tâm: “Cô, chú! Liệu trái kỳ diệu có thể giúp người bị tiểu đường thuyên giảm bệnh không? Chứ tôi thấy vị ngọt của nó có thể đánh lừa được cảm giác thèm đường”.
Cẩm Thơ - Đức Hùng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065