Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Bài ca kết đoàn” tại Thừa Thiên-Huế.
Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 1-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình trực tiếp "Bài ca kết đoàn" tại 4 điểm cầu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Quốc học Huế (Thừa Thiên-Huế) và Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), là những địa danh gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự chương trình tại điểm cầu Thừa Thiên-Huế có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Lương Cường.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Tiết mục hợp xướng "Đất nước trọn niềm vui"
Với sự tham gia của hơn 350 nghệ sỹ, diễn viên, "Bài ca kết đoàn" là chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật đưa người xem tiếp cận nhiều cung bậc cảm xúc, để thấm thía hơn những lời dặn của Bác trước lúc đi xa.
Cầu truyền hình "Bài ca kết đoàn" gồm 4 chương: "Đoàn kết để thống nhất đất nước,” "Đoàn kết để phát triển đất nước,” "Trong sạch để giữ khối đại đoàn kết" và "Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.”
Qua chương trình, người xem cùng nhìn lại những chặng đường gian truân nhưng rất đỗi tự hào 50 năm qua để thực hiện những di nguyện lớn của Người: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh; bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng; củng cố khối đại đoàn kết quốc tế...
Tại điểm cầu Trường Quốc Học, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chương trình mở đầu bằng lễ dâng hoa ở tượng đài Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc Học Huế của các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước và học sinh, sinh viên Thừa Thiên-Huế.
Với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sỹ, diễn viên, chiến sỹ, học sinh trên địa bàn tỉnh, chương trình còn có các hoạt động phong phú như chương trình nghệ thuật chào mừng, giới thiệu phóng sự “Cội nguồn của đoàn kết-phát triển tư tưởng đoàn kết dân tộc trong quãng thời gian Người ở Huế,” giới thiệu về trường Quốc Học Huế nơi Nguyễn Tất Thành tham gia học tập những năm 1907-1908, các công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế.
Chương trình nghệ thuật chào mừng
Chương trình còn có các tiết mục biểu diễn “Dấu chân phía trước,” hợp xướng "Đất nước trọn niềm vui" do đoàn nghệ sỹ, diễn viên Huế thực hiện, liên khúc “Hồ Chí Minh-Người thầy vĩ đại; gió lộng bốn phương...
Cố đô Huế là nơi đã ghi dấu ấn đậm nét những kỷ niệm thuở thiếu thời trong 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại đây.
Đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5-11 tuổi).
Thời kỳ thứ 2 từ năm 1906-1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16-19 tuổi).
Đặc biệt là địa danh Trường Quốc học Huế-cái nôi ươm mầm tri thức và tài năng cách mạng cho miền Trung và của cả nước.
Chính tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tri thức và được giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước.
Hơn 120 năm tuổi, Trường Quốc học Huế với nhiều thay đổi, phát triển, nhưng kỷ niệm thiêng liêng nhất là những năm tháng Bác Hồ học ở mái trường này-một tượng đài Bác được đặt trang nghiêm ngay tại sân trường.
Với những ý nghĩa đặc biệt đó, Cầu truyền hình trực tiếp "Bài ca kết đoàn" đã chọn cổng chính trường Quốc Học Huế làm nơi thực hiện chương trình.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến thăm Nhà lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, Trường Quốc học tại thành phố Huế và Trung tâm giám sát Điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065