BP - Sáng 9-5, trên mục Thời sự, báo điện tử VnExpress phát video/clip phản ánh người dân ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đua nhau chặt hạ cây tiêu lấy rễ bán cho thương lái Trung Quốc với mục đích “làm thuốc”, với giá 80 ngàn đồng/kg rễ khô và 20 ngàn đồng/kg rễ tươi. Với nhiều lý do, như giá tiêu quá thấp, thu không đủ tái đầu tư; vườn tiêu già cỗi cho năng suất kém; không có vốn chăm sóc... nhiều nhà vườn đã chặt hạ cả những vườn tiêu tươi tốt và đang cho thu hoạch lấy rễ bán cho thương lái.
Ngày 3-5, phát hiện việc thu mua này có dấu hiệu bất thường, nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt bỏ vườn tiêu lấy rễ hoặc đào trộm rễ tiêu bán, làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh trật tự nông thôn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã có văn bản cảnh báo gửi các địa phương và cơ quan chức năng thông báo cho người dân biết. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều hộ trồng tiêu vẫn chặt hạ cây tiêu lấy rễ bán.
Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đã phản ánh nhiều về hiện tượng thương lái nước ngoài đến các vùng miền của nước ta, mượn tay tiểu thương Việt Nam thu mua nông - lâm sản. Với thủ đoạn trả giá cao và không đòi hỏi nhiều về chất lượng, nhiều nông dân, tiểu thương đã “sập bẫy” thương lái nước ngoài, sẵn sàng tận thu, tận diệt, thậm chí cắt hợp đồng với những khách hàng mua bán truyền thống. Đã có những địa phương, người dân còn tận thu tài nguyên hoặc tăng diện tích canh tác loại cây trồng thương lái nước ngoài thu mua, cá biệt có trường hợp nhổ trộm, vặt trộm lá cây của người khác để bán. Điển hình như việc thu mua lá và ngọn sắn ở Hậu Giang; hoa thanh long ở Bình Thuận; móng trâu, bò ở Khánh Hòa... Ngay tại Bình Phước cũng đã xảy ra việc thương lái thu mua lá điều khô rồi đốt.
Câu chuyện thương lái nước ngoài, đặc biệt là thương lái Trung Quốc nay mua thứ này, mai mua thứ khác đã và đang gây xáo trộn từ làng quê đến thành thị. Những thứ lạ đời mà họ tìm mua tại Việt Nam ngày càng nối dài, nhưng dù mua bán lén lút hay công khai thì người dân cũng không biết họ mua để làm gì? Chỉ biết rằng vụ việc nào cũng chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn rồi họ lật kèo, ép giá thấp hoặc biến mất, không để lại tung tích. Trong khi nông dân, tiểu thương phải vay mượn tiền ngân hàng, người thân để sản xuất, thu gom nông - lâm sản với số lượng lớn, sau không biết bán cho ai rồi lâm vào cảnh nợ nần, khốn khó. Tình trạng nêu trên không chỉ gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước vì không có nguyên liệu sản xuất và dần mất bạn hàng mà về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình Phước đến hết năm 2017 có 16.452 ha hồ tiêu, chiếm 10,77% diện tích hồ tiêu cả nước và hàng chục ngàn hộ dân phát triển kinh tế dựa vào cây tiêu. Để nông dân yên tâm gắn bó với cây tiêu, các cấp, ngành trong tỉnh đang tích cực vận động doanh nghiệp chế biến đa dạng hóa sản phẩm có chất lượng cao từ hạt tiêu; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu an toàn bền vững, hiệu quả... Đồng thời, xúc tiến việc xây dựng và phát triển thương hiệu hồ tiêu Bình Phước. Tuy người trồng tiêu trong tỉnh đang phải sống chật vật do giá tiêu xuống thấp, nhưng với sự quan tâm bằng những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến tỉnh, giá tiêu sẽ bình ổn trở lại. Rất mong người trồng tiêu trong tỉnh nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn phá hoại kinh tế.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065