Hiện nay, hồ tiêu được giá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác. Thế nhưng, việc nông dân ồ ạt chuyển sang trồng tiêu chẳng khác nào đánh bạc với may rủi và đang phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp...
“Nóng” về diện tích
Năm 2013, toàn tỉnh có hơn 11.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 8.820 ha. Dự kiến trong năm 2014, diện tích cây tiêu ở Bình Phước tăng trên 320 ha, nâng số diện tích cho thu hoạch lên hơn 9.000 ha. Hiện nay người dân đang đổ xô phá bỏ vườn cao su, điều, cà phê... để ồ ạt trồng tiêu, khi giá tiêu đạt mức trên 130 ngàn đồng/kg.
Người dân xã Đắk Ơ nhổ bỏ nhiều diện tích để trồng lại vì tiêu chết hàng loạt
Ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, người dân trong xã đã phá bỏ nhiều loại cây trồng để trồng thêm gần 100 ha tiêu, nhiều nhất ở 2 thôn Bình Minh và Bình Hòa. Nhiều hộ chặt bỏ vườn điều, cà phê đã trồng 10 năm để trồng tiêu”.
Theo tính toán của người dân, hiện mỗi héc-ta tiêu cho thu hoạch đạt lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm. Với điều, cao su và một số cây trồng lâu năm khác nếu được mùa, được giá cũng chỉ lãi 60-80 triệu đồng/ha, còn mất mùa kèm thêm mất giá như niên vụ 2013 thì chỉ hòa vốn. Chính vì lẽ đó, nhiều nông dân đã chuyển toàn bộ diện tích cao su, cà phê, điều đang cho thu hoạch để trồng tiêu, thậm chí còn mở rộng đất bìa rừng, suối để trồng tiêu. Ông Nguyễn Công Tiến ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình có 4 ha điều nhưng vì mất mùa liên tục, lại mất giá nên ông đã chuyển sang trồng tiêu và hiện đang tiếp tục mở rộng diện tích. Ông Tiến nói: “Tôi thấy bạn bè trồng nhiều, lại cho thu nhập cao nên trồng theo. Kỹ thuật trồng chủ yếu là từ kinh nghiệm người đi trước, sâu bệnh thì đã có thuốc”.
Việc mở rộng diện tích trồng tiêu tự phát, thiếu định hướng thì phần thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân - Ảnh tư liệu
Năm 2013, huyện Bù Gia Mập có tổng diện tích tiêu trồng mới đạt trên 1.000 ha. “Khi giá tiêu tăng cao, người dân lại tập trung vào loại cây trồng này để mong thu lợi nhuận lớn. Ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo người dân nên tập trung vào chất lượng cây trồng, tránh đầu tư dàn trải để mang lại hiệu quả kinh tế” - ông Trí cho biết thêm.
Đắng lòng vì tiêu
Để trồng 1 ha tiêu, chi phí khoảng 600 triệu đồng, chưa kể khoảng thời gian trên 3 năm chăm sóc mới đến thời kỳ thu hoạch. Vì thế nhiều người ví von cây tiêu là “cây của nhà giàu”. Nếu gom hết vốn liếng trong nhà để trồng cây tiêu, khi bị bệnh không kịp xử lý sẽ bị thiệt hại nặng nề. Ông Điểu Nhớ ở thôn Đắk Min, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) có hơn 1.000 nọc tiêu đang chết trụi, chua chát: “Năm trước vì điều rớt giá nên tôi chuyển sang trồng tiêu. Không ngờ đến cuối năm tiêu phát bệnh và đến nay 2/3 diện tích đã chết, số còn lại chỉ sống lay lắt. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra coi như mất trắng”.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân không nên chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, bởi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, lúc đó giá hồ tiêu lại giảm. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước không nên lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để chăm sóc, mà nên phát triển loại cây trồng này theo hướng sinh học. Đây cũng là cách hướng đến sản xuất hồ tiêu theo phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo thương hiệu cho hồ tiêu Bình Phước.
|
Bên cạnh những hộ sẵn vốn đầu tư trồng tiêu, cũng có nhiều hộ khó khăn, nhưng bị hấp lực bởi giá tiêu tăng cao nên sẵn sàng vay vốn ngân hàng, người thân với lãi suất cao để theo đuổi mộng làm giàu. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Đắk Min cho biết, khoảng cuối năm 2012, ông vay ngân hàng gần 300 triệu đồng và cưa bỏ 5 sào điều để trồng tiêu. Thời gian đầu, cây tiêu phát triển rất nhanh, nhưng cách đây hơn nửa tháng gần nửa số nọc tiêu nhiễm bệnh và lan rất nhanh sang những cây khác. Gia đình ông đã cạn vốn, việc chăm sóc vườn tiêu lâm vào bế tắc. Do thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây tiêu hiện đang chết dần, nợ ngân hàng không biết lúc nào trả được.
Tại xã Đắk Ơ, chỉ 3 tháng đầu năm 2014 đã có gần 5.000 nọc tiêu bị chết (tương đương 5 ha). Ở Bù Đốp, trong năm qua cũng có gần 26 ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh... gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Khuyến cáo đáng quan tâm
Ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh nói: “Nhiều vườn tiêu mới trồng vào những nơi có điều kiện môi trường, đất đai không phù hợp; việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế; sâu bệnh phát sinh gây hại dẫn đến giảm năng suất. Với việc phát triển cây tiêu ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong thời gian tới...”.
Việc mở rộng diện tích trồng tiêu thiếu định hướng sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng trong từng vùng, ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy sản xuất lẫn hiệu quả kinh tế với người nông dân. Điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” vẫn là bài học đối với nông dân và ngành chức năng!
T.Mảng - T.Thông
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065