Ngày 18-3, tại xã Phước Minh (Bù Gia Mập) người dân cưa cây cao su đổ vào đường điện 110kV. Sự cố khiến đường điện 110kV Bình Long 2 - Thác Mơ phải cắt điện nhiều giờ để khắc phục.
XEM THƯỜNG TÍNH MẠNG MÌNH
Khoảng trung tuần tháng 3-2015, gia đình ông Hoàng Văn Việt ở xã Đa Kia (Bù Gia Mập) bán vườn cao su tại thôn Bình Lợi, xã Phước Minh nhưng không báo cho cán bộ quản lý đường dây 110kV. Khoảng 15 giờ ngày 18-3, tổ thợ cắt cây cao su làm cây đổ vào dây điện tại khoảng trụ 632-633 thuộc đường dây Bình Long 2 - Thác Mơ. Cây cao su người dân cắt đổ vào đường dây điện có gốc cách dây điện ngoài cùng khoảng 4m, đúng khoảng cách bảo vệ HLATLĐ. Tuy nhiên, khi cắt cây nhóm thợ không chằng néo nên để cây đổ vào đường dây. Tại hiện trường, ngọn cây chạm vào đường điện bị cháy đen, đường dây điện có nhiều vết cháy.
Vườn cây cao su của ông Hoàng Văn Việt (xã Đa Kia) vẫn còn một số cây vi phạm HLATLĐ
Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Tổng công ty lưới điện cao thế Miền Nam và Chi nhánh điện cao thế Bình Phước đã có mặt tại hiện trường để lập biên bản vụ việc. Ngày 19-3, lãnh đạo Chi nhánh điện cao thế Bình Phước đã làm việc với chủ vườn cây, tổ cắt cây và UBND xã Phước Minh. Do tính chất vụ việc vượt thẩm quyền cấp xã xử lý hành chính nên Chi nhánh điện cao thế Bình Phước lập biên bản gửi UBND huyện xử lý những người vi phạm theo quy định.
Ông Hoàng Huy Thông, Giám đốc Chi nhánh điện cao thế Bình Phước cho biết: Sự cố ngày 18-3 đã ảnh hưởng đến truyền tải điện của đường điện 110kV Bình Long 2 - Thác Mơ vào hệ thống điện quốc gia. Rất may, thời điểm điện phóng vào cây cao su người dân đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Những sự cố này làm thiệt hại về cơ sở vật chất của Nhà nước, uy tín của ngành điện và gián đoạn hoạt động sản xuất của các đơn vị mua điện, nhu cầu sử dụng điện của người dân. Chi nhánh điện cao thế Bình Phước khuyến cáo người dân khi thanh lý vườn cao su hoặc cắt tỉa những cành cây vi phạm vào HLATLĐ nên phối hợp với cán bộ quản lý đường dây để thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500km đường dây cao thế điện 110kV nằm trải khắp địa bàn 10 huyện thị, trong đó hơn 85% đường dây đi qua các vườn cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền). Mặc dù được đơn vị quản lý đường dây tuyên truyền về đảm bảo HLATLĐ nhưng tình trạng người dân vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Điều đáng nói ở đây, khi cán bộ quản lý an toàn đường dây phát hiện sai phạm và xuống khắc phục thì các hộ dân thường tìm cách chống đối. Chính điều này dẫn đến hậu quả khó lường trong những năm qua.
VI PHẠM XẢY RA THƯỜNG XUYÊN
Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 về việc quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện, quy định: Khoảng cách an toàn của đường dây 110kV tính từ dây ngoài cùng của trụ điện trở ra là 4m. Nếu người dân tự ý chặt cây để đổ vào lưới điện sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Đối với cây phát triển nhanh trong vòng 3 tháng có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện phải chặt, tỉa ngọn và không được trồng mới. |
Ông Hoàng Huy Thông cho biết: Hiện có khoảng 10 ngàn cây cao su tiếp giáp với đường điện 110kV. Khi gặp gió lớn hoặc lốc xoáy có thể đổ phần ngọn và cành vào hệ thống lưới điện dẫn đến sự cố. Hàng năm, đặc biệt là vào mùa mưa chúng tôi kiểm tra và chặt tỉa cành cây vi phạm HLATLĐ thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng cây cao su “đe dọa” đến HLATLĐ vẫn liên tục diễn ra và có thể xảy ra sự cố về điện bất cứ lúc nào. Một mặt bởi cây không ngừng phát triển, mặt khác do cây cao su rất dễ đổ khi có gió mạnh, mưa bão. Bên cạnh đó, cây cao su có giá trị kinh tế nên nhiều hộ gia đình chỉ cho chặt tỉa cành, nhánh nhỏ. Riêng phần ngọn cây, người dân kiên quyết không cho chặt tỉa vì sợ mất sản lượng mủ hoặc cho chặt tỉa nhưng đòi bồi thường nhưng ngành điện không có kinh phí.
Mặc dù đã tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn còn một số hộ dân có đất ở nơi có đường dây cao áp đi qua chưa ý thức chấp hành quy định về bảo vệ HLATLĐ. Chính quyền nhiều nơi chưa thực sự phối hợp, hỗ trợ trong việc giải quyết triệt để vấn đề cây cao su vi phạm HLATLĐ. Chính vì vậy, nhiều sự cố về hành lang lưới điện đã xảy ra. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 4 vụ về sự cố đường dây cao thế 110kV, trong đó 3 vụ do cây cao su gãy đổ và 1 vụ do người dân thả diều vướng vào đường dây điện.
Anh Đinh Việt Hải, cán bộ Chi nhánh điện cao thế Bình Phước cho biết: Mặc dù được chúng tôi tuyên truyền về sự nguy hiểm của việc vi phạm HLATLĐ nhưng nhiều người cố tình không quan tâm. Đặc biệt, trường hợp bà Trần Thị Son ở ấp Tân An, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) nhiều năm liền vi phạm nhưng vẫn chống đối. Vườn cao su của bà Son có hơn 80 cây nằm hai bên đường dây điện 110kV Phú Giáo - Đồng Xoài. Năm 2009, số cây cao su này đã làm đứt pha C và gây ra sự cố mất điện. Tuy nhiên, khi cán bộ chi nhánh đến phối hợp với gia đình cắt tỉa những cành vi phạm HLATLĐ thì bà Son chống đối và yêu cầu bồi thường. Do những yêu cầu của bà Son thiếu căn cứ nên chi nhánh lưới điện cao thế Bình Phước không có cơ sở xem xét giải quyết. Mặc dù chính quyền sở tại đã có nhiều văn bản yêu cầu bà Son chấp hành bảo vệ HLATLĐ nhưng bà vẫn chống đối đến nay.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065