BP - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề nhất, trong đó vấn đề được đề cập nhiều là đại dương đang từng ngày “gặm nhấm” đất liền do nước biển dâng và xói lở. Với trên 3.260km bờ biển, trải dài từ Bắc vào Nam, không gian biển của nước ta rất rộng lớn và đầy tiềm năng. Theo các nhà nghiên cứu, lấn biển là một giải pháp hữu hiệu chống biến đổi khí hậu chủ động. Việc xây đô thị lấn biển không chỉ làm tăng quỹ đất mà còn có thể chủ động bảo vệ phần bãi biển hiện hữu.
TỪ THỰC TRẠNG XÓI LỞ...
Theo số liệu thống kê sơ bộ, khoảng 1/5 chiều dài đường bờ biển nước ta đã bị xói lở từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm và hiện tượng này có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Xói lở biển sẽ ảnh hưởng đến các công trình ven bờ và hoạt động dân sinh, kinh tế ven biển, biến đổi cảnh quan môi trường. Đặc biệt, nó còn làm vỡ đê kè, gây ngập lụt trên diện rộng, dẫn đến thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản nhân dân. Dọc theo chiều dài bờ biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có những đoạn biển lấn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hàng loạt nhà cửa, đất sản xuất, rừng phòng hộ và cả một số công trình đê kè lần lượt bị sóng biển cuốn phăng.Ở tỉnh Trà Vinh, sạt lở bờ biển huyện Duyên Hải là mối nguy từ nhiều năm qua. Trước khi tấn công đất liền, sóng biển đã “đốn” sạch hơn 10 ha rừng phòng hộ. Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài sạt lở ven biển ở tỉnh này hàng chục kilômét, trong đó có 4 khu vực sạt lở nguy hiểm dài hơn 17km thuộc các khu vực đê biển Tây; cửa biển Gành Hào, huyện Đầm Dơi; khu dự trữ sinh quyển khu vực Mũi Cà Mau và bãi biển Khai Long. Trong 5 năm qua, có nơi biển đã ăn sâu vào đất liền hơn 100m. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển Cà Mau đã bị mất khoảng 8.870 ha. Ở tỉnh Sóc Trăng, tuyến đê biển dài 72km đã bị sóng biển “nuốt chửng” nhiều đoạn thuộc huyện Vĩnh Châu và Cù Lao Dung. Huyện Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang có trên 20km bờ biển hằng năm cũng đang trong tình trạng sạt lở. Các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung, Nam Trung bộ hằng năm vào mùa mưa bão cũng trong tình trạng bờ biển bị xói lở. Điển hình là tại Cửa Đại (Quảng Nam), một trong những bờ biển đẹp nhất nước, có nguy cơ biến mất bởi hiện tượng xói lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi các giải pháp đưa ra chưa hiệu quả...
Một góc khu đô thị lấn biển ở Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: Vietnamairlinesgiare.vn
ĐẾN CẨN TRỌNG VIỆC LẤN BIỂN
Việc lấn biển lấy đất xây dựng trong những năm gần đây đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị ven biển. Ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Những khu vực bờ biển có nhiều ao xoáy, bị xói lở, thì lấn biển là giải pháp bảo vệ bờ biển chủ động và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải những điểm bị xói lở nào cũng có sức hút với nhà đầu tư về mặt kinh tế và ngược lại, một số nơi nhạy cảm với môi trường nhưng lại rất hấp dẫn nhà đầu tư. Do vậy, mỗi dự án lấn biển đều phải được tính toán khoa học, vì nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Hiện nay, mô hình ở tỉnh Kiên Giang được coi là điển hình trong việc lấn biển. Bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo, dự án quai đê lấn biển mở rộng thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) từ năm 1999 đến nay đã trở thành hiện thực. Nhiều người cho rằng, đây là một kỳ tích độc đáo ở miền Tây Nam bộ. Lần đầu tiên trong cả nước, người Kiên Giang dám “dời non lấp biển”, mở rộng quỹ đất, phục vụ trên 60 ngàn hộ dân cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ văn minh và hiện đại.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, lấn biển nhất thiết phải thực hiện trong một quy hoạch tổng thể của cả nước và chỉ được làm ở những địa điểm được xác định là phù hợp. Thời gian qua, việc lấn biển diễn ra khá tràn lan, không ít rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng đã bị tàn phá vì các mục tiêu kinh tế khác nhau. Đặc biệt, ở miền Trung, sức tàn phá ghê gớm của những trận bão, lũ làm cho đô thị lấn biển trở nên thiếu an toàn, nếu không tính toán, cân nhắc kỹ về các giải pháp thích ứng thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Hoạt động lấn biển để mở rộng diện tích đất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước. Các nhà khoa học về môi trường đều ủng hộ giải pháp lấn biển và coi đó là việc cần làm để phục vụ các mục tiêu kinh tế và chủ động ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, nhưng phải đặc biệt chú trọng đến quy hoạch tổng thể và các yếu tố bảo vệ môi trường bền vững.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065