BP - Làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại trụ sở Chính phủ ngày 7-3-2017 về tình hình khai thác cát trái phép, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chính thức “tuyên chiến” với nạn cát tặc. Theo Phó thủ tướng, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép ở nước ta đang hết sức phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng các biện pháp xử lý nhằm triệt tận gốc nạn cát tặc.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 2.705 trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt gần 40 tỷ đồng, thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng khai thác cát trái phép ở nước ta vẫn rất khó kiểm soát. Việc khai thác cát trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy như gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, mất trật tự, an ninh, đặc biệt là làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, tác động xấu đến môi trường sinh thái, ô nhiễm môi trường nước và tạo lũ lụt cục bộ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và tính mạng của người dân.
Bình Phước hiện có 23 con sông, suối, trong đó có 3 con sông lớn là sông Bé, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Trong đó, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn được đánh giá là có trữ lượng cát rất lớn. Đây cũng là hai địa chỉ được “điểm mặt, chỉ tên” về vấn nạn cát tặc tại hội nghị chống cát lậu vừa qua. Tại 2 con sông này tình trạng khai thác cát trái phép đang có những diễn biến phức tạp với số lượng hàng chục ngàn mét khối bị hút trộm mỗi đêm. Việc khai thác cát trái phép đang mang lại lợi nhuận quá lớn cho các đối tượng vi phạm. Do giá bán cát tại các đơn vị khai thác có phép cao nên người dân tìm đến cát lậu để giảm chi phí.
Bọn cát tặc thường lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ lễ hoặc lúc lực lượng chức năng lơ là để hút trộm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương còn mỏng, thiếu đồng bộ; đối tượng vi phạm manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Đặc biệt, việc xử lý các vụ việc chỉ là xử phạt hành chính với mức phạt tiền không cao nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa đối tượng vi phạm. Vì vậy, những kết luận của Phó thủ tướng tại buổi làm việc chính là một thông điệp mới của Chính phủ về xử lý vấn nạn cát tặc.
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, các địa phương cần quy hoạch chi tiết và bảo vệ nguồn lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, phải tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp khai thác cát và giám sát cơ quan chức năng khi kiểm tra khai thác cát. Cần chỉnh sửa luật, đưa cát tặc vào loại tội phạm nguy hiểm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để có chế tài xử lý hình sự, như quy hành vi này vào các tội như hủy hoại môi sinh, đe dọa tính mạng người dân, trộm cắp tài sản quốc gia... thì mới triệt hạ được vấn nạn cát tặc.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065