NỖI BUỒN MÔN PHỤ
Cùng tính hệ số như nhau và trong danh sách 11 môn văn hóa để thi học sinh giỏi, thế nhưng không biết bao giờ môn GDCD mới thoát khỏi “định kiến môn phụ” của nhiều phụ huynh và học sinh.
KHÓ THÁO “MÁC” MÔN PHỤ
Tuy học chuyên khối tự nhiên nhưng em Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh lớp 12TN3, Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD 2 năm học liền (2014-2015 và 2015-2016). “Lúc đầu, khi nghe em đầu quân cho đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD, mẹ hỏi thi môn đó để làm gì? Không được bạn bè “nể” như những bạn tham gia đội tuyển học sinh giỏi Anh văn, Toán, Lý... nhưng em vẫn giữ vững lập trường vì thấy môn học này có nhiều lợi ích” - Phương Anh chia sẻ.
“Để tuyển chọn học sinh giỏi cho đội tuyển, ngay từ đầu năm học giáo viên phát phiếu để học sinh đăng ký, hầu hết các em sinh chọn môn Anh văn, Toán, Ngữ văn... và rất hiếm phiếu chọn môn GDCD. Muốn có đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD, giáo viên phải động viên, tuyên truyền và có chọn lọc từ trước” - cô Đoàn Thị Hiền, giáo viên môn GDCD, Trường THCS Minh Hưng (Chơn Thành) cho biết.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: SỸ HÒA
Khi thi học sinh giỏi môn GDCD, học sinh nếu đạt giải cũng chỉ được vinh danh, cộng điểm thi tốt nghiệp nên chưa phải là những gì phụ huynh mong muốn. Bởi GDCD không trong danh sách môn thi vượt cấp, các chuyên ban ở các trường phổ thông. Còn lợi ích khi ứng dụng vào cuộc sống hiện tại vẫn chưa có kiểm tra, khảo sát nào minh chứng cụ thể, thuyết phục phụ huynh, học sinh.
Chị Nguyễn Thị Sen ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Tôi cũng như đa số phụ huynh không muốn con mình phải mất thời gian trong đội tuyển học sinh giỏi khi môn học đó không trong danh sách môn chính hay môn thi bắt buộc”. Với những quan điểm đó, nghiễm nhiên môn GDCD còn lâu mới tháo được mác môn phụ.
KHÓ THÀNH LẬP ĐỘI TUYỂN
Bị xem là môn phụ, không được đa số phụ huynh và học sinh quan tâm, đầu tư học tập; lại bị gán ghép rằng, tình trạng đạo đức xuống cấp của một bộ phận học sinh, tội phạm diễn ra ngày càng nhiều và có tính chất phức tạp... do việc dạy và học môn Đạo đức, GDCD chưa thực sự hiệu quả - điều đó đã tạo áp lực cho cả người học và người dạy. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của môn GDCD là bởi tâm lý môn này không trong các môn thi tốt nghiệp nên giáo viên phụ trách chưa đầu tư thích đáng, còn học sinh chủ quan, thụ động. Một số trường học chỉ đầu tư các môn chính để tỷ lệ tốt nghiệp cao, thậm chí có trường không có giáo viên chuyên trách dạy môn GDCD” - thạc sĩ Nguyễn Văn Châu, giáo viên dạy môn GDCD Trường THPT Hùng Vương chia sẻ.
Đạo đức, thói quen tốt của các em được hình thành từ khi còn rất nhỏ. Trong ảnh là học sinh Trường tiểu học Thanh Phú B, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long
Năm 2015, tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Bình Phước đã thụ lý 7.227 vụ án các loại và đã giải quyết 6.670 vụ. Trong đó có 77 vụ án được đưa ra xét xử lưu động để răn đe, tuyên truyền giáo dục pháp luật... Đằng sau con số này là vấn đề xuống cấp đạo đức, minh chứng cho tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người trong xã hội. |
Tài liệu để ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD rất hiếm, giáo viên phải tự tìm, cộng với kinh nghiệm nhiều năm mà có; trong khi các môn khác tài liệu đa dạng và phong phú cũng như có nhiều diễn đàn, trang web hay. Là hai giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD, thầy Châu và cô Hiền chia sẻ: Khó khăn lớn nhất với môn GDCD là tài liệu tham khảo không nhiều và là môn phụ nên ít người đầu tư cho giáo án cũng như tài liệu. Giáo viên tự tìm hiểu thêm các chương trình trên mạng gắn với khung của Sở Giáo dục - Đào tạo để viết thành chuyên đề giúp các em luyện thi, nhưng phải biết chọn lọc thông tin, kiến thức phù hợp. Theo thống kê của Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo, năm 2015 toàn tỉnh có 268 thí sinh đăng ký dự thi học sinh giỏi môn GDCD. Kết quả có 28 thí sinh đạt giải ở cấp độ lớp 9 và 68 thí sinh đạt giải ở bậc phổ thông. Tuy nhiên vẫn có những trường không thành lập được đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD do không chọn được học sinh.
Từ thực tế trên, muốn gỡ mác môn phụ, ngành giáo dục cần xây dựng các giải pháp “đả thông tư tưởng” để phụ huynh, học sinh nhìn đúng giá trị của môn Đạo đức, GDCD và có sự đầu tư thích đáng cho môn học này. Đồng thời, giáo viên phải có phương pháp truyền đạt phù hợp, đầu tư bài vở nhiều hơn gắn kiến thức thực tế vào bài học để học sinh không cảm thấy khô khan và phát huy tính chủ động, sáng tạo của mình.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065