Tuy nhiên, không phải tất cả các công dân nam nằm trong độ tuổi trên sẽ được gọi nhập ngũ. Vì có những người không đủ điều kiện về sức khỏe, chiều cao hoặc bị khuyết tật bẩm sinh hay bị tai nạn dẫn đến bị hạn chế sức khỏe sẽ thuộc đối tượng được hoãn, miễn gọi nhập ngũ.
Cụ thể, tại Điều 29 trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành có quy định rõ ràng về đối tượng được hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình như sau: Những công dân sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ: Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ. Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một, con của bệnh binh hạng một; một người anh hoặc em trai của liệt sĩ; một con trai của thương binh hạng hai.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội có hiệu quả và mang tính nhân văn cao. Cụ thể là trong chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự, người nào là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì sẽ được hoãn gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, theo quy định trên đây thì đối tượng này mới chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ, tức là có thể họ sẽ được gọi nhập ngũ vào thời gian nào đó. Theo ý kiến của cá nhân tôi, trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi đang được đưa ra xin ý kiến Quốc hội nên bổ sung quy định: Người nào là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, hay là lao động chính trong gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo, thì sẽ được miễn gọi nhập ngũ.
Lý do là đối với những gia đình thuộc diện nghèo đói mà người lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự thì nghèo càng thêm nghèo. Nhất là đối với những gia đình là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa. Và nếu vì đi nghĩa vụ quân sự mà gia đình rơi vào cảnh bế tắc về kinh tế vì mất đi lao động chính thì không những người thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ không yên tâm, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập và rèn luyện trên thao trường, mà những người còn lại trong gia đình họ đã khó khăn lại càng thêm vất vả, túng thiếu.
Bên cạnh đó, trong thực tế cuộc sống hiện nay cũng còn đối tượng cần được miễn nghĩa vụ quân sự, đó là những nam thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đang phải nuôi con nhỏ. Vì với những gia đình nhỏ này, nếu người chồng đi nghĩa vụ quân sự thì người vợ phải đảm trách mọi công việc gia đình, nên rất khó khăn trong việc nuôi dạy con nhỏ. Những đứa trẻ thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật và suy dinh dưỡng thì khó có thể trở thành một công dân mạnh khỏe và có trí tuệ. Mà trẻ em là tương lai của đất nước.
Vì vậy, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi cần bổ sung thêm hai đối tượng trên vào diện được miễn gọi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân và rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.
Vĩnh Lại
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065