BP - Thương lái Trung Quốc với “chiêu” gom hàng, thổi giá “nhử” người chăn nuôi heo tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng trại từ tháng 4 đến giữa tháng 5-2016. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 đến nay, giá heo hơi giảm dần. Cuối tháng 12, giá heo hơi của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có trọng lượng 70-90kg/con, ít mỡ nhưng không phải là heo siêu nạc ở Bù Đốp, Lộc Ninh dao động 35-37 ngàn đồng/kg. Riêng heo trại giá chỉ ở mức 33 ngàn đồng/kg. Phụ thuộc xuất khẩu tiểu ngạch, heo hơi cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam phập phồng “may ít, rủi nhiều”...
“PHẬP PHỒNG” GIÁ HEO HƠI
Trại nuôi heo của chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) có 20 con nái, 100 heo thịt cho biết, ở mức giá 37 ngàn đồng/kg thì người chăn nuôi chỉ hòa vốn, lỗ công nuôi với điều kiện: chủ động được con giống; mua cám tại công ty (Bình Dương) thấp hơn 40 ngàn đồng/bao so với giá các đại lý cám, gạo ở Lộc Ninh và đàn heo luôn khỏe mạnh không tốn các khoản chi phí thuốc do bị tiêu chảy, bệnh...
Điều lạ là cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh ngoài heo thịt nuôi tại các hộ nhỏ lẻ và trang trại thì còn có nguồn được chở ngược từ Đồng Nai lên với giá chỉ 33 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giá này mỗi con heo thịt phải chịu lỗ 300-400 ngàn đồng. Để phục vụ thị trường tết Nguyên đán trong nước và Trung Quốc, thông thường vào quý 3 của năm các đơn vị phải chuẩn bị nguồn hàng nên heo thịt hút hàng tăng giá. Nhưng năm nay so với thời điểm này năm ngoái giá heo đã giảm tới gần 20 ngàn đồng/kg. Đây là điểm bất thường.
Trại heo giống hiện đại của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam ở ấp 7, Lộc Hòa (Lộc Ninh)
Phân tích báo cáo hằng tháng của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có thể thấy, giá heo hơi trong nước luôn biến động theo giá thu mua của thương lái Trung Quốc. Đỉnh điểm là vào đầu tháng 5-2016, giá tăng từ 53-54 ngàn đồng/kg, mức giá kỷ lục trong suốt 19 tháng trước đó. Mức giá này chỉ cầm cự được ít ngày rồi đột ngột rớt vào nửa cuối tháng 5. Sang tháng 6, giá heo giảm 7.000-8.000 đồng/kg. Từ đây heo thịt tiếp tục giảm giá và đến thời điểm hiện tại mức giá thấp nhất là 33 ngàn đồng/kg (heo trại ở Đồng Nai). Dù giá thịt heo biến động ra sao thì nguyên nhân chỉ có một, đó là do thị trường Trung Quốc tăng hoặc giảm nhập khẩu.
XUẤT KHẨU TIỂU NGẠCH “MAY ÍT, RỦI NHIỀU”
Để tránh chất tạo nạc, thương lái Trung Quốc gom hàng có trọng lượng 110-120kg/con, heo nhiều mỡ. Trong lúc thị trường trong nước chỉ chuộng heo từ 70-90kg/con. Heo hơi của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác là phụ thuộc thương lái Trung Quốc nên giá “nhảy múa” trong nhiều năm nay.
Trong năm 2016, Bộ NN-PTNT liên tục cảnh báo khi thương lái Trung Quốc “thổi” giá để “bẫy” người chăn nuôi theo phương thức gom hàng, tạo cầu ảo kích thích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tăng đàn; đến ngày xuất chuồng giảm mua, giá giảm. Nếu heo không xuất chuồng sẽ bị quá lứa, tốn chi phí cho ăn. Càng nuôi heo càng tăng ký giá bán càng rẻ, lỗ nặng nên giá thấp người chăn nuôi cũng phải bán. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của ngành nông nghiệp, khi giá heo tăng người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn, mở rộng quy mô khiến giá heo giống tăng vọt, có thời điểm lên 2 triệu đồng/con, nguy cơ thua lỗ càng cao (hiện giá con giống chỉ còn 900 ngàn đồng/con).
Cũng theo số liệu của Bộ NN-PTNT, đàn heo cả nước đã đạt đỉnh gần 30 triệu con/lứa (lứa 3 tháng). Như vậy, bình quân mỗi người Việt Nam lớn, nhỏ phải tiêu thụ 1 con heo 70-90kg/năm.
Ở Bình Phước, năm 2016, tổng đàn heo 301.200 con, tăng 4,7% so với năm 2015. Tuy nhiên, theo phản ánh của chính quyền địa phương và người dân thì từ cuối năm 2014 đến nay, do giá mủ cao su giảm, nhiều chủ trang trại có diện tích 5 ha trở lên ở các địa bàn xa dân cư, đất xám xấu nên năng suất thấp, thuê công nhân khó, giá thành cao đã rao bán. Đây là điều kiện thuận lợi cho trang trại heo phải di dời vì ô nhiễm môi trường khu dân cư ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương lên Bình Phước. Theo đó, đàn heo trong thực tế ở Bình Phước có thể cao hơn nhiều so với số liệu thống kê. |
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, giao thông, việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ Việt Nam để phục vụ số dân đông của Trung Quốc ở những khu vực biên giới sẽ có lợi hơn rất nhiều so với vận chuyển giữa các vùng khác trong nội địa nước này. Vậy nên Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách biên giới một cách linh hoạt để hưởng lợi từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu heo Việt Nam. Và khi xuất khẩu theo hướng chính ngạch còn nhiều khó khăn do rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm thì người chăn nuôi Việt Nam phải “thông minh” cập nhật dự báo thị trường để không bị “sập bẫy” thương lái Trung Quốc.
Người chăn nuôi nên theo hướng an toàn sinh học và liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ để có đầu ra ổn định. Hiện nay, Bộ NN-PTNT ban hành 8 VietGAP mới cho trang trại và 2 VietGAP mới cho nông hộ. VietGAP được xây dựng đơn giản hơn nhiều so với trước, giảm khoảng 30 chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phù hợp với vùng. Bên cạnh đó, người nuôi cần tăng cường sử dụng giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao để cạnh tranh được với thị trường quốc tế.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065