Chữ viết của dân tộc Xêtiêng đã được hình thành cách đây 126 năm. Do nhiều người không được nghiên cứu và tiếp cận với lịch sử hình thành, phát triển chữ viết của các dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên nói chung, của người Xêtiêng nói riêng nên cho rằng người Xêtiêng chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết. Vào những năm 1860, chữ viết của dân tộc thiểu số Bana, Êđê, K’Ho, Mơnông, Xêtiêng đã được người Pháp dùng mẫu tự La tinh để phiên âm (chữ Quốc ngữ của Việt Nam ngày nay cũng hình thành từ mẫu tự La tinh). Năm 1887, người Pháp tên là R.PH.AZémar đã xây dựng từ điển Xêtiêng - Pháp. Như vậy, chữ viết của dân tộc Xêtiêng hình thành cách đây khá lâu chứ không phải như suy nghĩ của một số người cho rằng người Xêtiêng không có chữ viết.
Vào những năm 1957-1963, Viện Ngôn ngữ mùa hè (Mỹ) bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, nhiều sách học tiếng Xêtiêng được ra đời. Tháng 10-1963, Viện Ngôn ngữ mùa hè phối hợp với Bộ Giáo dục (của Việt Nam cộng hòa) đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục song ngữ ở cấp tiểu học trong vùng đồng bào Xêtiêng. Nhiều sách học tiếng Xêtiêng được phổ biến rộng rãi. Có thể nói thời kỳ này chương trình học song ngữ phát triển mạnh mẽ. Vào năm 1973, sách học tiếng Xêtiêng được tái bản lần thứ ba, gồm 4 tập. Tập 1 và 2 dành cho lớp vỡ lòng, tập 3 chủ yếu là dạng văn học, tập 4 là chương trình nâng cao được dịch thành ba thứ tiếng: Xêtiêng - Việt - Anh.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 15-11-1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 23-CT/TW về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam. Trong đó, về văn hóa, giáo dục. Chỉ thị nêu rõ: “Chú ý sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tiếng nói, chữ viết của tất cả các dân tộc và tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải học và dùng tiếng phổ thông, chữ Quốc ngữ là ngôn ngữ chung của cả nước, để có điều kiện mau chóng tiếp thụ kiến thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Đối với những dân tộc ít người đã có chữ viết riêng, các ngành có trách nhiệm và các địa phương phải thực hiện những điều đã được quy định trong Nghị quyết 153/CP của Hội đồng Chính phủ phù hợp với tình hình miền Nam”.
Do thiếu cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, phổ biến chữ viết của dân tộc Xêtiêng, đặc biệt là tài liệu học tiếng Xêtiêng, nên chữ của người Xêtiêng đến nay vẫn còn dang dở (nhiều dân tộc vùng Tây nguyên, trong những năm 1980 Chính phủ đã công nhận xong bộ chữ). Vì sự phát triển của cộng đồng người Xêtiêng, vì nhiệm vụ chính trị của địa phương, từ những năm 1999, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đề xuất thành lập chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Xêtiêng, đồng thời cử cán bộ đi sưu tầm toàn bộ sách dạy tiếng Xêtiêng (4 tập) để nghiên cứu hệ thống chữ viết, làm từ vựng, đăng ký đề tài khoa học.
Ông Điểu Điều, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết: “Năm 2007, khi tỉnh Bình Phước được Bộ Nội vụ đồng ý cho biên soạn bộ tài liệu tiếng Xêtiêng để dạy cho cán bộ, công chức, bản thân tôi là người trực tiếp biên soạn một bộ tài liệu gồm 450 tiết. Sau khi tài liệu được nghiệm thu, tôi đã trực tiếp dạy cho cán bộ, công chức tỉnh. Dù dạy hết sức mình nhưng bấy nhiêu chưa đủ để hoàn thiện một công việc, một ước muốn, đó là khôi phục chữ viết cho cộng đồng người Xêtiêng, sử dụng và phổ biến chữ viết, dạy song ngữ cho học sinh. Vì sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa tốt nên đến nay tỉnh vẫn chưa tổ chức hội thảo khoa học để công nhận bộ chữ của người Xêtiêng. Còn vấn đề tiếng Xêtiêng hiện nay có những từ ngữ khác nhau giữa một số vùng, địa phương (gọi là phương ngữ) là bình thường. Vấn đề phương ngữ thì ngôn ngữ của dân tộc nào cũng có, thậm chí còn nhiều hơn phương ngữ của người Xêtiêng. Trong tiếng Việt, giữa Bắc - Trung - Nam cũng có nhiều từ địa phương khác nhau; nhưng tiếng phổ thông, hệ thống chữ viết của tiếng Việt thì chỉ có một và thống nhất”.
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cùng chung sức tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện việc công nhận bộ chữ Xêtiêng. Đây là một trong những việc làm thiết thực nhằm bảo tồn nền văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
T.B-Đ.Đ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065