KHOAN GIẾNG - GIẢI PHÁP TỨC THỜI
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến ngày 20-3-2016 toàn tỉnh hiện có 28.830 ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó lúa 1.691 ha, rau màu các loại 482 ha, cây hằng năm 1.081 ha, cây công nghiệp dài ngày 25.557 ha (bao gồm 7.150 ha tiêu; 8.025 ha cà phê, 3.192 ha cây ăn trái và 7.210 ha các loại cây lâu năm khác). Toàn tỉnh có 26.190 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 1.000 con gia súc thiếu nước uống. Diện tích ao cá bị ảnh hưởng 589 ha, trong đó 244 ha bị cạn và 345 ha thiếu nước trầm trọng. Diện tích rừng bị cháy do hạn hán là 12,884 ha... Tổng thiệt hại do hạn hán gây ra ước khoảng 500 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân đua nhau mua máy móc, thiết bị về mở dịch vụ khoan giếng thuê (Ảnh: Anh Lê Hoàng Dũng khoan giếng cho người dân ở ấp 7, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp)
Thời gian qua, các huyện, thị đã có những biện pháp cụ thể giúp nhân dân chống hạn. Trong đó, chủ yếu khoan giếng nước tập trung nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Vừa qua, huyện Bù Đốp đầu tư khoan 28 giếng nước tập trung (41 triệu đồng/giếng). Nhiều hộ dân cũng tự khoan giếng để cứu cây trồng, vật nuôi. Gia đình anh Đỗ Văn Tuyền, ấp Tân Định, xã Tân Thành (Bù Đốp) có 1 ha tiêu. Những năm trước, anh Tuyền sử dụng nước từ 3 ao cá để tưới vườn tiêu, năm nay ao khô kiệt, vườn tiêu đã chết 600 nọc. Để cứu số trụ tiêu còn lại, anh Tuyền đã khoan giếng hết 18 triệu đồng. Hộ anh Nguyễn Thanh Tùng ở ấp Bù Núi A, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) khoan giếng để tìm kiếm nước sinh hoạt và nước tưới cho vườn tiêu hơn 1 ha. Thế nhưng, phải khoan đến giếng thứ hai mới tìm được mạch nước nên chi phí tăng cao.
KHÔNG AI BIẾT KHOAN GIẾNG CẦN CÓ GIẤY PHÉP
Hạn hán kéo dài, nghề khoan giếng trở nên đắt giá tại các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh... Nhiều hộ vì không tìm được thợ nên tự mua giàn về khoan cho gia đình, sau thì hành nghề kiếm tiền. Anh Lê Hoàng Dũng ở ấp 7, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) không tìm được thợ nên bỏ hơn 200 triệu đồng mua giàn khoan về tự khoan giếng. Anh Dũng nói: “Lâu nay, người dân trên địa bàn sử dụng giếng đào là chính, nhưng vào mùa khô thường hết nước nên chuyển sang giếng khoan. Mua máy được hơn 1 tháng nhưng tôi đã khoan được 7 giếng cho các hộ dân và số người kêu tôi khoan ngày càng nhiều. Thông thường một giếng khoan 3-4 ngày là xong, tuy nhiên có giếng khoan đến nửa tháng vì gặp đá hoặc mạch nước ngầm sâu”. Cũng mở dịch vụ khoan giếng được gần 1 tháng, ông Trần Thanh Bình ở cùng ấp dù làm ngày, làm đêm nhưng vẫn không hết việc do số người đặt hàng đông.
Nắng nóng, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều thuê thợ về khoan giếng phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất (Ảnh: Hộ ông Nguyễn Văn Trận, ấp 6, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp thuê thợ về khoan giếng)
Hầu hết thợ khoan giếng đều hành nghề tự phát và cũng không ai biết cần phải có giấy phép. Ông Đỗ Quang Hùng, ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) đã 20 năm chuyên khoan giếng, ông chưa thấy ai hỏi giấy phép hành nghề và ông cũng chưa hình dung được giấy đó viết gì. Ai có nhu cầu khoan giếng thì ông đưa máy tới làm, có nước nghiệm thu đạt thì trả tiền và chuyển máy đi nơi khác!
CẦN PHẢI BẢO VỆ MẠCH NƯỚC NGẦM
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mực nước trung bình ở các tầng chứa đo được trong năm 2015 có xu hướng giảm so với năm 2014 từ 0,14-3,27m. Giá trị trữ lượng động tự nhiên năm 2015 là 1.704.030m3/ngày, thấp hơn so với năm 2014 là 65.118m3/ngày. Ông Nguyễn Phú Quới, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Sở dĩ mạch nước ngầm có chiều hướng giảm là do lượng mưa năm 2015 giảm (2.228,2mm) so với 2014 (2.872,6mm) là 664,2mm. Mặt khác, diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, sự biến đổi khí hậu làm cạn dần dòng chảy sông suối và một phần do người dân khoan giếng bừa bãi”.
Theo Thông tư số 40/TT-BTNMT, ngày 11-7-2014 của Bộ TN&MT thì tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải đảm bảo các điều kiện: Có quyết định thành lập tổ chức của các cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có nội dung liên quan đến ngành nghề khoan nước dưới đất. |
Theo Luật Tài nguyên nước, việc quản lý hoạt động khoan nước ngầm thuộc về chính quyền cấp huyện, xã, trong đó chủ yếu là cấp xã. Tuy nhiên, hiện nhiều xã, phường, thị trấn đang buông lỏng hoạt động này. Ông Nguyễn Sĩ Quốc, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: “Mùa khô năm nay, nhiều người mua máy về khoan giếng cho gia đình rồi làm dịch vụ để thu hồi vốn theo kiểu hành nghề tự phát nên chúng tôi chưa quản lý được. Hơn nữa, người dân tự thuê thợ về khoan nên xã không thể nắm hết được. Tính sơ bộ, Thanh Hòa có khoảng 30 giàn khoan nhưng chưa hộ nào có giấy phép hành nghề. Được biết, toàn tỉnh mới có 3 tổ chức, cá nhân được cấp phép hành nghề khoan giếng”.
Ông Nguyễn Phú Qưới cho biết thêm: Hiện việc khoan giếng đều tự phát, không tiến hành các biện pháp kỹ thuật. Nhiều giếng không sử dụng nhưng không gia cố hoặc trám lấp đã tạo nhiều lỗ hổng trong tầng đất dẫn đến mạch nước ngầm giảm. Vì vậy, thời gian tới, các huyện, thị cần rà soát lại những khu vực cần khoan giếng chống hạn và liên hệ với ngành chuyên môn để được tư vấn. Về lâu dài, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 9 huyện, thị. Đồng thời, thực hiện Dự án điều tra đánh giá và công bố vùng bảo vệ mạch nước mặt, vùng cấm và vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để công bố đến địa bàn từng huyện, thị xã. Cá nhân, tổ chức hành nghề khoan giếng phải lấp các giếng khoan hư hỏng, không sử dụng tránh gây sụt lún. Những ai hành nghề khoan giếng mà chưa có giấy phép thì liên hệ Sở TN&MT để được hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định. Sở sẽ phối hợp với Cục Tài nguyên nước và Viện Khoa học địa chất và khoáng sản mở lớp tập huấn kỹ thuật cấp chứng chỉ về quản lý tài nguyên nước, kỹ thuật thăm dò, khai thác nước dưới đất cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065