Bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động
Tờ trình dự án Luật an toàn vệ sinh lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày, nêu rõ việc xây dựng Luật an toàn, vệ sinh lao động được chuẩn bị trên cơ sở thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng; bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động.
Dự án luật chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất; gắn an toàn vệ sinh lao động với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thông qua các hoạt động phòng ngừa, bảo đảm quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động và xã hội...
Dự án Luật an toàn vệ sinh lao động có 7 chương, với 94 điều quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với sự cần thiết và quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật.
Ủy ban cho rằng để đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh lao động đối với tất cả người lao động, việc xây dựng và ban hành Luật an toàn vệ sinh lao động cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và nội luật hóa các công ước quốc tế về an toàn vệ sinh lao động mà Việt Nam là thành viên nhằm hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động; quyền và trách nhiệm của các bên; cơ chế tham vấn ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; luật hóa các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong các văn bản dưới luật.
Có cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, hướng tới mục tiêu lâu dài là mọi người lao động đều có cơ hội làm việc trong môi trường an toàn.
Chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ do lao động thông qua những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc.
Thời gian còn lại của buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Ý kiến khác nhau về đoạn Mở đầu
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung thêm nhằm khẳng định truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang); Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến khác đề nghị cân nhắc không nên có đoạn Mở đầu để bảo đảm thống nhất về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản luật.
Các đại biểu cho rằng thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đều không có đoạn Mở đầu mà nêu ngay căn cứ và cơ quan ban hành văn bản.
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật cũng thể hiện quan điểm không nên có đoạn Mở đầu; trường hợp cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì nên được thể hiện thành các nội dung điều khoản trong Luật.
Tuy nhiên, các đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và một số ý kiến khác đề nghị vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung nhằm khẳng định truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Đây là một đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam mà nhiều nước không có. Việc giữ đoạn Mở đầu rất ngắn gọn không làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như nội dung của Luật.
Cần quy định cụ thể các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chương V) và hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chương VI).
Đối với hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước...” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước.”
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) phân tích khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật khẳng định giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, góp phần kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên tại Điều 27 và Điều 28 quy định về đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát cũng không có nhiều điểm khác so với giám sát của các cơ quan dân cử và chưa thể hiện sự hỗ trợ bổ sung hoạt động giám sát kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước; các hình thức giám sát trong dự thảo Luật quy định chưa rõ ràng. Đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong dự thảo luật.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần phân định rõ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, đa dạng, phong phú hơn nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo nên sự nặng nề, trùng lắp tầng nấc giám sát.
Việc quy định “Các hình thức giám sát khác phù hợp với quy định của pháp luật” (khoản 5 Điều 28) là chưa rõ ràng, vì Luật này quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên cần phải quy định cụ thể các hình thức giám sát…
Về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo nên tách thành hai điều riêng về đối tượng phản biện và nội dung phản biện thay cho việc ghép lại như trong dự thảo; cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức phản biện của Mặt trận Tổ quốc… Tại khoản 2 điều 35 quy định Mặt trận Tổ quốc gửi văn bản lấy ý kiến phản biện trong hệ thống tổ chức của mình, đại biểu cho rằng để quy định chặt chẽ hơn, quy định này cần sửa lại thành Mặt trận Tổ quốc gửi văn bản, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến phản biện trong hệ thống chính trị của tổ chức mình.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) trích dẫn khoản 1 Điều 33 quy định: Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước; dự thảo các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, do vậy không nên giới hạn Mặt trận Tổ quốc chỉ nhận xét, đánh giá … đối với dự thảo chính sách, pháp luật, chương trình, dự án mà cần phải phản biện cả khi chính sách, pháp luật, chương trình, dự án đã được ban hành, thực hiện nhưng còn hạn chế, bất cập.
Theo chương trình, chiều nay, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và dự án Luật an toàn vệ sinh lao động.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065