BP - Mục V - Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, điểm 1 có nội dung: “... Hệ thống giáo dục và đào tạo các cấp từ cơ sở đến đại học, dạy nghề được tổ chức lại một bước. Quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo (bằng 20% tổng chi ngân sách nhà nước). Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện và có bước hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh...”. Các câu văn làm rõ kết quả đạt được trên từng lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó có “Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ” bao trùm, khái quát tất cả. Vì vậy nên sắp xếp câu này ở vị trí đầu hoặc cuối theo cách diễn đạt diễn dịch hoặc quy nạp, không nên để ở giữa đoạn.
Toàn cảnh Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI - Ảnh: T.L
Cũng trong phần này có nội dung: “... Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo có mặt còn yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Cách diễn đạt như vậy thiếu thống nhất; Vì đã dùng dấu “.” để phân biệt các câu với nhau thì dùng thống nhất hết đoạn, không nên vừa sử dụng dấu “.” vừa sử dụng dấu “;”. Mặt khác, để rõ ý, theo tôi nên bổ sung cụm từ “Nội dung giáo dục, đào tạo” vào trước câu “còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”, đồng thời chuyển câu “chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc” vào chung nội dung của câu này. Đoạn văn sau khi chỉnh sửa thành “... Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Nội dung giáo dục, đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất...”.
Cùng một nội dung đánh giá nhưng mỗi đoạn lại có cách đánh giá không thống nhất. Cụ thể ở đoạn đầu tiên “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng” nhưng sang đoạn thứ hai lại đánh giá “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu”.
Mục V. 2. Phương hướng, nhiệm vụ đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo, đoạn thứ 5 “... thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”. Theo tôi, nên bổ sung cụm từ “và xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân vi phạm” vào sau “công khai, minh bạch”, vì thực tế công tác thanh tra, kiểm tra trong ngành giáo dục năm nào cũng được tăng cường, vấn đề quan tâm hơn cả là công tác hậu kiểm tra, đề cao trách nhiệm xử lý nghiêm minh để ngăn chặn, răn đe sự tái phạm và vi phạm.
Mục VI - Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, trong nhiệm kỳ tới, Đảng ta tiếp tục xác định vị trí của nền kinh tế trí thức, xem đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là đầu tư cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong dự thảo mới đề ra chỉ tiêu “ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20%”, còn chưa xác định cụ thể mức chi ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ, trong khi mục tiêu “Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới” là khó thực hiện nếu mức chi dưới 10% GDP như hiện nay.
Mục XII - Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, điểm 2 - Phương hướng, nhiệm vụ, đoạn thứ 15 có nội dung: “... Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Cụm từ “đồng bào định cư ở nước ngoài” là có ý nghĩa đầy đủ, thể hiện sự gần gũi, đoàn kết. Tuy nhiên, 2 câu sau dùng cụm từ “đồng bào” là không hợp lý, theo tôi nên dùng cụm từ “kiều bào”.
Về lỗi kỹ thuật: Mục V - Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, tại điểm 1. Tình hình, đoạn đầu tiên có nội dung “Các nghị quyết của Đảng về giáo dục, đào tạo được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những thành quả nhất định”. Dấu “,” ở sau chữ “hiện” làm cho câu văn không liền mạch, tối nghĩa. Theo tôi nên bỏ dấu “,” này.
Mục IX - Tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, điểm 1 - Tình hình, đoạn thứ hai có nội dung “... Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; chưa rõ trọng tâm, trọng điểm và nguồn lực thực hiện”. Tôi đề nghị bỏ dấu “;” để câu văn liền mạch.
Mục XIII - Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, điểm 2 - Phương hướng, nhiệm vụ, đoạn thứ hai có nội dung “... Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013”, tôi đề nghị bỏ dấu “,” ở sau chữ “dân”.
Mục XV - Xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, điểm 1 - Tình hình, đoạn thứ 5 có nội dung “...Một số đồng chí chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực được giao phụ trách”. Cách diễn đạt ý ở câu văn này rất luẩn quẩn, tối nghĩa. Theo tôi nên sửa ngắn gọn thành “... Một số đồng chí chưa nhìn nhận đúng mức những hạn chế, khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong lĩnh vực được giao phụ trách”.
Cũng trong mục này, đoạn 14 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng có nội dung “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản của Đảng đồng bộ, phù hợp”. Tôi đề nghị bỏ dấu “;” trước từ “tham” và bỏ cụm từ “tham mưu, đề xuất”, thay vào đó là cụm từ “trong nhiệm kỳ, đã”. Vì đây là báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là phản ánh đánh giá kết quả thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan cao nhất, nên không thể viết là “tham mưu, đề xuất” được. Đó là công việc chuyên môn của các đơn vị tham mưu.
Nhật Hạ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065