Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý ngoại thương
Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu cũng như xử lý vấn đề nợ công.
Đảm bảo hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết hoạt động xuất nhập khẩu có tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước.
Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã lên đến hơn 350 tỷ USD, nghĩa là độ mở kinh tế của đất nước tăng mạnh, bằng 170% GDP quốc gia (khoảng hơn 200 tỷ USD).
Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thảo luận và thông qua trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để đảm bảo hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, phải tạo ra được rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ các sản phẩm sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu những loại hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn lao động, an toàn kỹ thuật...
Dựa trên nguyên tắc tuân thủ những điều khoản đã cam kết trong các Hiệp định thương mại quốc tế, Việt Nam đã quy định rất chi tiết những điều khoản liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, những mặt hàng cấm xuất hoặc nhập khẩu…
Một vấn đề mà các đại biểu quan tâm là có nên để Bộ Công Thương quyết định kim ngạch, hạn ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hay không.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Chính phủ và Thủ tướng cần đứng ra quyết định điều này.
Ông Trần Hoàng Ngân ví dụ, để đưa ra hạn ngạch về xuất khẩu nông sản hay gạo cần trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phù hợp với nền kinh tế vĩ mô.
Quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư công
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, Luật Quản lý nợ công được ban hành vào năm 2009, có giá trị thi hành từ ngày 1/1/2010. Hiện tại cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến nợ công, nợ xấu, nợ quốc gia, nợ nước ngoài…
Theo thống kê, số lượng nợ công cuối năm 2010 chỉ vào khoảng 1.100.000 tỷ đồng, tương đương 51% GDP. Báo cáo cách đây 6 tháng của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội dự kiến, nợ công cuối năm 2016 sẽ ở mức 64,9%, nghĩa là sát mức trần là 65%; nhưng con số nợ công mới chính thức được công bố xấp xỉ 2.900.000 tỷ, đương đương 63,7% GDP là điều rất đáng mừng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Luật Quản lý nợ công sửa đổi lần này đã đưa vào rất nhiều điều khoản chi tiết để phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và các Luật khác, trong đó quy định nợ công gồm 3 khoản: Nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
Vấn đề cần thảo luận kỹ là đầu mối quản lý nợ công có nên để như trước đây là vừa thuộc Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước, hay phải chọn một cơ quan quản lý thống nhất.
Phân tích về vấn đề nợ xấu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, nguồn vốn được Chính phủ vay về, sau đó cho các chủ đầu tư vay lại, nhưng nhiều dự án không phát huy được hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản.
Khoản nợ này hiển nhiên chuyển thành nợ xấu, cần bàn bạc kỹ lưỡng để tránh rủi ro, đồng thời phải gắn trách nhiệm trong việc quản lý, hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Luật Quản lý nợ công phải gắn chặt với Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua năm 2015. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, không có giải pháp nào khác là phải phân bổ lại ngân sách chứ không thể chuyển đổi mục đích của dự án đầu tư công cho các dự án đầu tư kinh doanh.
Đối với các dự án đầu tư thương mại, luật pháp đã có quy định rõ ràng, chậm triển khai quá thời hạn 12 tháng, đương nhiên phải thu hồi. Nếu chủ đầu tư không muốn điều đó xảy ra, phải có đơn xin gia hạn với lý do thuyết phục và thời gian gia hạn không được phép quá 24 tháng.
Trên thực tế, nhiều dự án chậm thời gian nhiều hơn nhưng chưa bị thu hồi do cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết thực thi theo đúng quy định. Việc không phải nộp tiền sử dụng đất đối với các dự án chậm tiến độ, là một trong những lý do khiến các chủ đầu tư kéo dài thời gian.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các dự án không hiệu quả hoặc chậm tiến độ, đứng về mặt luật pháp phải có xử phạt cương quyết, xử lý về mặt kinh tế. Như vậy nhà đầu tư buộc phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ hoặc chuyển đổi cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065