BP - Trong phiên làm việc sáng 28-10 của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói “tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố của quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, làm tha hóa nhiều cán bộ”. Còn đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì cho rằng “quyết tâm chống tham nhũng mới chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế chưa tương xứng”... Đây cũng là vấn đề liên tục được đặt ra tại các cuộc họp của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ.
Có thể nói chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lại khó khăn, phức tạp như hiện nay. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi việc chống tham nhũng là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” và cho rằng, chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều biểu hiện “thỏa hiệp” với tham nhũng, cố tình lờ đi, coi như không nghe, không thấy, không biết. Theo kết quả khảo sát của đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trong tháng 8 vừa qua, mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân Việt Nam có xu hướng tăng. Kết quả khảo sát cho thấy chi phí “lót tay” cho cán bộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và các dịch vụ công khác ngày càng tăng nhưng chỉ rất ít người đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng. Điều này cho thấy tệ nhũng nhiễu đã “thập diện mai phục” trên mọi lĩnh vực và người dân xem đó là bình thường, chấp nhận sống chung với nó. Trong buổi làm việc với UNDP, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, để xây dựng chính quyền vững mạnh, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân, “phải kiên quyết không chung chi, chứ mình cũng đi đút tiền, rồi còn tư vấn cho người khác đút tiền thì làm sao chấm dứt được? Cán bộ sai thì dân phải phản ánh”.
Có rất nhiều lý do dẫn tới nạn nhũng nhiễu, trong đó có nguyên nhân do các quy định, thủ tục ở các lĩnh vực còn nhập nhằng, tạo cơ hội tốt cho cán bộ thoái hóa trục lợi; nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền không liêm chính; người dân vì muốn nhanh chóng được việc nên sẵn sàng móc hầu bao “lót tay”. Chính tâm lý này hình thành thói quen đút lót, trở thành đất sống cho tệ nhũng nhiễu. Nhưng nhiều người cho rằng, họ có lý do để chấp nhận sống chung với tiêu cực bởi không ít trường hợp phản ứng, không thỏa hiệp với sai trái đã bị làm khó, thậm chí bị trả thù. Và trong thực tế thì nhiều khi sự đối kháng với nạn nhũng nhiễu bị coi là lập dị, đơn độc.
Sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng ngày càng cao, điều này đồng nghĩa sức đề kháng của bộ máy công quyền đang yếu dần và đây là thực trạng nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người đồng quan điểm với ông Trần Vĩnh Tuyến, rằng người dân cần cộng đồng trách nhiệm trong việc chống tham nhũng. Nhưng để người dân làm được điều này, trước hết lãnh đạo chính quyền các cấp cần “phát tín hiệu” rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa để người dân cảm thấy không đơn độc trong cuộc chiến khi được pháp luật bảo vệ thông qua những cá nhân lãnh đạo liêm chính.
Bảo Khanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065