Ngày 18-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Mã Điền Cư, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Trai cùng lãnh đạo một số ngành chức năng tiếp và làm việc với đoàn.
Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Mã điền Cư đề nghị tỉnh xử lý nghiêm trường hợp lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp
Cần rà soát hiệu quả nông, lâm trường quốc doanh
Ông Mã Điền Cư cho biết mục đích của đợt giám sát nhằm giúp Quốc hội có thông tin chính xác tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Từ đó phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập và đề xuất các giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; quản lý, sử dụng đất đai; thu hồi diện tích sử dụng không hiệu quả để giao cho địa phương, hộ gia đình bị thiếu đất ở, đất sản xuất quản lý và sử dụng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bình Phước có diện tích tự nhiên 687.154 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 440.698 ha, đất phi nông nghiệp 64.459 ha, đất chưa sử dụng có 830 ha. Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, có 17 lâm trường, ban quản lý rừng (BQLR) gồm: 7 lâm trường quốc doanh, 2 BQLR đặc dụng, 2 BQLR kinh tế và 6 BQLR phòng hộ thực hiện quản lý 314.029 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng 27.057 ha, đất rừng sản xuất 153.432 ha, đất rừng phòng hộ 133.540 ha. Các lâm trường, BQLR là đơn vị trực thuộc địa phương do tỉnh quản lý, không có đơn vị trực thuộc trung ương.
Việc hoạt động sản xuất - kinh doanh của 7 lâm trường quốc doanh được thực hiện theo quy định của pháp luật. 5/7 lâm trường sản xuất - kinh doanh có lãi, 2 lâm trường kinh doanh thua lỗ là Lâm trường Đồng Xoài và Lâm trường Bù Gia Mập. Từ kết quả sản xuất - kinh doanh, các lâm trường và BQLR đã thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng, là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời làm chủ đầu tư thực hiện các chương trình trồng rừng 327,661...
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Cần rà soát lại hiệu quả hoạt động, quản lý của nông, lâm trường quốc doanh để có giải pháp xử lý cụ thể.
Xử lý nghiêm trường hợp lấn chiếm
Để ổn định nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tiếp tục thực hiện chế độ định canh, định cư. Việc cấp đất ở phải có cơ sở hạ tầng. Cấp đất những vùng xa và không có kinh phí xây nhà thì không thu hút được đồng bào đến ở. Nếu cấp đất cho doanh nghiệp thì nên quy hoạch ở những vùng xa, vì doanh nghiệp có tiềm lực. Ông Nguyễn Đình Sang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh |
Qua buổi làm việc, đoàn giám sát đặc biệt quan tâm đến các vấn đề: Lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp; đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất ở, đất sản xuất, trong khi diện tích lấn chiếm đất lâm nghiệp cao; hiệu quả hoạt động kinh tế của các lâm trường quốc doanh; chuyển đổi liên tục về cơ cấu hành chính của các đơn vị quản lý rừng; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường; người dân không mặn mà với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc quản lý đất rừng, đất cưỡng chế sau khi thu hồi; chính sách đối với người bảo vệ rừng...
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thắc mắc: Diện tích lấn chiếm, xâm canh đất lâm nghiệp 128.550 ha nhưng lại có 2.530 hộ thiếu đất ở, 2.481 hộ thiếu đất sản xuất. Đây là con số quá lớn, UBND tỉnh cần quản lý chặt và làm rõ đối tượng lấn đất, chiếm đất là ai, từ đâu đến, diện tích lớn nhất, ít nhất là bao nhiêu?
Bà Nguyễn Thị Khá đề nghị: Qua khảo sát thực tế ở 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng cho thấy, tỉnh thực hiện các kế hoạch, dự án ngắn hạn và dài hạn theo lộ trình của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp chưa đạt tiến độ. Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm diện tích lớn, kéo dài và có khả năng diễn biến phức tạp hơn. Vì thế, tỉnh cần tăng cường trách nhiệm quản lý rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian tới.
Giải đáp những thắc mắc của đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên - môi trường và Ban Dân tộc của tỉnh đã tiếp thu và giải trình những thắc mắc của đoàn.
Phó chủ tịch Trần Ngọc Trai cho biết: UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp, thắc mắc của đoàn giám sát và giải trình một số nội dung tại buổi làm việc. Các ý kiến của đoàn về việc cần những thông tin chi tiết, cụ thể về một số nội dung, UBND tỉnh sẽ sớm có báo cáo bằng văn bản gửi đến đoàn giám sát. Thời gian qua, năm 2015 và những năm tới, tỉnh luôn cố gắng giảm tối thiểu tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, đất ở.
Ông Mã Điền Cư đề nghị: Trong thời gian tới UBND tỉnh cần tích cực hơn tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai, quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là vấn đề đất ở và đất sản xuất. Cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với việc lấn chiếm, xâm canh đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong thời gian sớm nhất, UBND tỉnh bổ sung thông tin báo cáo và tổng hợp kiến nghị cụ thể, sát với tình hình thực tế quản lý, sử dụng đất rừng của Bình Phước hiện nay gửi về đoàn giám sát.
Bình Phước cần rà soát lại có bao nhiêu doanh nghiệp được giao đất trên địa bàn tỉnh, những doanh nghiệp đó hoạt động hiệu quả không và có làm mất đất mất rừng được giao? Việc giao rừng và đất lâm nghiệp cần phải rõ ràng, như đơn vị nào quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Hiện tại tỉnh Bình Phước đang giao rừng sản xuất cho BQL rừng quản lý là không hợp lý. Nên thành lập công ty lâm nghiệp để trồng cây lâm nghiệp, trồng cao su, điều... tạo che phủ, làm kinh tế, tạo thêm thu nhập cho đơn vị, tạo việc làm cho người dân. Ông Ykhut Niê, Ủy viên Hội đồng dân tộc Quốc hội |
Ngọc Bích - Trang Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065