Trong đó, nghị quyết yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên. Đồng thời cắt giảm các khoản chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị; hạn chế tối đa về số lượng, quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách... và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác.
Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 là 4.566 tỷ đồng. So với mức thu ước năm 2016 là 4.150 tỷ đồng thì dự toán này tăng 10% và tăng 4% so với số dự kiến Bộ Tài chính giao (4.341 tỷ đồng). Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, dự toán trên là phù hợp, thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của UBND tỉnh và các cấp, ngành. Tuy nhiên, con số thu - chi như nêu trên rất đáng để suy nghĩ, nhất là trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay. Trong cơ cấu tổng chi 7.132 tỷ đồng, chi cho đầu tư phát triển 1.593 tỷ đồng, còn lại là chi thường xuyên. Trong chi thường xuyên thì chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề lên tới 2.345 tỷ đồng, chi quản lý hành chính 1.084 tỷ đồng... Được biết, dự toán chi thường xuyên năm 2017 xây dựng dựa trên định mức chuẩn quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhiều khoản chi không cần thiết đã được cắt bỏ và dự toán chi cho mua sắm phương tiện, hội họp... không tăng so với số thực hiện năm 2016. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức chi thường xuyên trong cơ cấu tổng chi như vậy là lớn đối với một tỉnh miền núi, biên giới, rất cần nguồn đầu tư cho phát triển, nhất là xây dựng cơ bản.
Việc cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là mua sắm phương tiện, trang thiết bị, tổ chức các hội thảo, hội nghị, khánh thành, khai trương... đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương trong những năm gần đây, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đứng trước nhiều thách thức. Theo thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 59,1% lên 63%. So với giai đoạn 2006-2010, mức tăng lên đến 9%. Theo các nhà kinh tế, chi thường xuyên tăng lên, chi trả nợ phải đảm bảo dự toán và các cam kết thì hệ quả tất yếu là nguồn chi dành cho đầu tư phát triển sẽ bị giảm đi, dẫn đến mức tăng trưởng chậm lại.
Những năm gần đây, Bình Phước đã tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; cắt giảm tối đa những khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, công tác phí và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cần thiết. Để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tại các cuộc họp, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành nỗ lực tăng thu ngân sách để có thêm nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ chi. Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp lại chi đầu tư phát triển theo hướng tập trung vào các công trình thực sự quan trọng cấp thiết, có hiệu quả kinh tế cao, tránh dàn trải; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt là bộ máy hành chính dịch vụ công, có cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về tài chính... Phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ mới mong kéo giảm được chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065