BP - Tại mục I - Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), mục 1 - Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; nguyên nhân và kinh nghiệm, sau khi đánh giá những khó khăn do tình hình trong nước và quốc tế, dự thảo khẳng định: “... Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực”.
Người dân xã Thống Nhất (Bù Đăng) biểu diễn tiết mục múa sạp trong ngày hội đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh: Minh Luận
Ở đoạn này, theo tôi dự thảo cần bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện như sau: “Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục có bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao; an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm. Công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bước đầu đạt được một số kết quả khả quan”.
NHÌN NHẬN TOÀN DIỆN HƠN NHỮNG MẶT YẾU KÉM
Bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo đã thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm: “Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội chậm được khắc phục. Quản lý tài nguyên, môi trường còn bất cập. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm. Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập. Hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động, hiệu quả chưa cao”.
Tôi cơ bản đồng tình với những đánh giá này, song muốn nhấn mạnh, bổ sung thêm một số nội dung để làm rõ hơn những hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua. Bởi vì, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến dư luận bất bình, bức xúc như tình trạng tham nhũng, lãng phí; an ninh trật tự; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường... Tôi đề xuất sửa lại đoạn này như sau: “Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội chậm được khắc phục. Quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, khó lường với tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, tinh vi; đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng trên một số mặt; kỷ cương, phép nước chưa được thực hiện nghiêm. Công tác xây dựng đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chưa tạo được bước đột phá, chuyển biến còn chậm. Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập. Hội nhập quốc tế có mặt còn thụ động, hiệu quả chưa cao” (đề xuất bỏ nguyên câu “Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”, vì đây là nội dung mới, cần có thực tiễn chứng minh mới đưa vào đánh giá; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ là có phần chủ quan, phiến diện).
XEM XÉT GIẢM CHỈ TIÊU VỀ LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG
Về một số bài học kinh nghiệm, dự thảo nêu 5 bài học, trong đó có: “Ba, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Tôi xin đề xuất sửa lại như sau: “... xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân hiện đại, vững mạnh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục”. Bởi vì tình hình thế giới và khu vực hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có tiềm lực quân sự, quốc phòng hiện đại kết hợp với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh mới bảo đảm được sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Về các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được trong 5 năm tới, lĩnh vực môi trường, dự thảo đề ra chỉ tiêu “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80-85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44-45%”. Căn cứ những số liệu thống kê và tình hình thực tế của các địa phương hiện nay thì mục tiêu mà dự thảo đưa ra là khá cao, rất khó đạt được. Ngoại trừ chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng đạt 44-45% có thể giữ nguyên, tôi đề xuất giảm 5% trên mỗi chỉ tiêu: “Đến năm 2020, 90% dân cư thành thị, 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 75-80% chất thải nguy hại, 90-95% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44-45%”.
Ngọc Nguyên
Chữ in nghiêng là trích nguyên văn trong dự thảo văn kiện
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065