BPO - Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi nhất trí cao với đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và thống nhất với nhận định 5 năm qua đất nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng. Đặc biệt là tôi đánh giá cao sự thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khá đầy đủ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại khiến công cuộc đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện, dẫn tới một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, theo tôi, trong một số vần đề, dự thảo chưa được đánh giá đầy đủ. Tôi xin góp ý một số nội dung sau:
Trong mục V- Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, đánh giá mặt chưa làm được, dự thảo Văn kiện đại hội XII nêu: “Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo có mặt còn yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.
Theo tôi, đánh giá như vậy khá toàn diện nhưng chưa đầy đủ. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, thời gian qua việc đạo đức xuống cấp trong nhà trường đã đến mức báo động. Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của xã hội, còn có nguyên nhân chủ quan từ chính trong đội ngũ những người làm thầy giáo và những nhà quản lý giáo dục. Đó là nhiều vụ việc tiêu cực được phanh phui, ứng xử của thầy cô với học trò thiếu chuẩn mực, thậm chí bạo lực với học sinh. Tình trạng chạy trường, chạy việc trong ngành giáo dục vẫn ầm thầm diễn ra ở nhiều nơi. Nhà trường còn đặt nặng thành tích thay vì hướng đến chất lượng thật sự. Việc liên tục thay đổi chương trình giáo dục bậc phổ thông nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt dẫn tới niềm tin của xã hội, của bậc phụ huynh vào ngành giáo dục xuống thấp. Vì vậy, theo tôi cần thêm nội dung đánh giá: “Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa đạt yêu cầu đề ra. Một bộ phận nhà giáo thiếu tâm huyết cũng như các chương trình cải cách giáo dục bậc phổ thông đạt kết quả thấp dẫn tới bức xúc trong xã hội”.
Ảnh minh họa - Nhất Sơn
Mục VIII - Quản lý, phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Về vấn đề này, Văn kiện đại hội XI, mục VII có tiêu đề Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Có thể thấy, so với Văn kiện Đại hội XI, dự thảo Văn kiện Đại hội XII có bước phát triển quan trọng. Đó là thêm trọng tâm vấn đề “phát triển xã hội”, nó toàn diện hơn so với chỉ nêu lên “bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, dùng cụm từ “Quản lý” không logic. Thay vào đó nên dùng cụm từ "Xây dựng". Bởi đất nước ta đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng những nền tảng vững chắc cho tương lai. Hơn nữa, quản lý chỉ là một nội dung trong xây dựng và phát triển, nên không bao quát hết ý nghĩa của nội dung.
Văn kiện Đại hội XI, mục V- Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức; bảo vệ môi trường, có tiểu mục 3. Coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thế nhưng, dự thảo Văn kiện XII, dành một đề mục lớn về vấn đề này. Đó là mục IX- Tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu đã được Đảng ta rất quan tâm, coi trọng. Về mặt số lượng, dự thảo Văn kiện Đại hội XII cũng được nêu nhiều hơn (1.370 từ so với 411 từ). Trong nội dung này, dự thảo Văn kiện XII đã nêu tình hình và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng nội dung.
Tôi nhất trí với việc cần dành ra một đề mục riêng để đánh giá toàn diện và đề ra phương hướng cụ thể như dự thảo, đặc biệt là vấn đề tăng cường quản lý tài nguyên. Về nội dung này, dự thảo nêu phần khuyết điểm: “Tuy nhiên, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại còn chậm. Đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ và đời sống nhân dân. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; chưa rõ trọng tâm, trọng điểm và nguồn lực thực hiện. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản”.Trong hầu hết các nội dung, khi nêu lên hạn chế, khuyết điểm, mặt chưa làm được, dự thảo văn kiện có nêu lên nguyên nhân để làm cơ sở cho việc xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu. Tuy nhiên, trong nội dung này, dự thảo chỉ nêu lên thực trạng mà thiếu phần đánh giá nguyên nhân. Theo tôi, cần phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên nhân dẫn tới “tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt” là do một số ngành, lĩnh vực, địa phương vì đặt ra kế hoạch tăng trưởng nóng về kinh tế, dẫn tới khai thác cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065