Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua toàn văn ngày 29-11-2005. Luật này thay thế cho Pháp lệnh chống tham nhũng ngày 28-4-2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006.
Sau hơn 7 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật Phòng, chống tham nhũng đã góp phần tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng ở nước ta. Tuy nhiên, đến nay có nhiều quy định trong luật không còn phù hợp và vô tình trở thành lực cản của công tác phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, trong tình hình hội nhập hiện nay, có nhiều hành vi tham nhũng nhưng luật chưa điều chỉnh tới. Thậm chí có những quy định còn tạo kẽ hở cho hành vi tham nhũng có đất sống. Chính vì vậy, thời gian gần đây đã và đang xảy ra một số vụ tham nhũng lớn, với lượng tài sản lớn của Nhà nước bị thất thoát và nhiều quan chức cấp cao đã phải tra tay vào còng để chờ ngày lãnh án.
Để ngăn chặn một cách có hiệu quả từ gốc rễ đối với những hành vi tham nhũng, Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để loại bỏ tình trạng “lợi ích nhóm” và ngăn chặn tham nhũng. Điều đáng quan tâm là trong dự thảo đề án đặt ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo nội dung của dự thảo đề án này, người kê khai tài sản có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc của các khoản thu nhập đã kê khai hoặc các vấn đề khác liên quan đến thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan tiến hành việc xác minh thu nhập có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc che giấu thông tin, tẩu tán tài sản hoặc cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, xác minh. Việc xác minh có thể sử dụng một số nghiệp vụ điều tra nhằm làm rõ các khoản thu nhập có dấu hiệu bất minh.
Dự thảo đề án cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc kê khai, xác minh các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời cũng quy định nghĩa vụ bắt buộc sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng đối với các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng trong dự thảo đề án, mà cụ thể là khi chưa kịp sửa luật thì các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng phải quy định các biện pháp chế tài cụ thể, bảo đảm tính khả thi đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kê khai, giải trình, xác minh thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đối với các khoản thu nhập không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ bị phát hiện, khi có yêu cầu giải trình nguồn gốc mà không giải trình được thì được xem là các khoản thu nhập bất hợp pháp, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm minh.
Và giải pháp hiệu quả nhất là đã đến lúc cần phải hình sự hóa tội làm giàu bất hợp pháp trong Bộ luật Hình sự.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065