Cần bổ sung thêm tội danh “Hành hung nhà báo” để ngăn chặn kẻ thủ ác ra tay với nhà báo. Trong ảnh, các nhà báo tác nghiệp tại Lễ khai mạc giải vô địch việt giã leo núi toàn quốc mở rộng “chinh phục đỉnh cao Bà Rá” năm 2015 - Ảnh: S.H
Theo Báo Công an nhân dân, ngày 19-9, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ 2 đối tượng gây ra vụ hành hung nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (44 tuổi), Phó phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên. 2 đối tượng bị bắt là Dương Nghĩa Hậu (22 tuổi), trú xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và Chu Văn Thế (24 tuổi), trú xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu hai đối tượng thừa nhận, do có mâu thuẫn với nhà báo Nguyễn Ngọc Quang nên sáng 4-9 chúng đã bí mật theo dõi vợ chồng nhà báo. Cả hai đi xe máy dán kín biển kiểm soát, đồng thời đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang rồi bám theo xe của anh Quang. Khi đến gần giữa cầu Gia Bảy (thuộc phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên) hai đối tượng đã ép xe ôtô của anh Quang vào lề đường. Sau đó, một đối tượng dùng búa đập vỡ cửa kính bên phía tay lái, đối tượng còn lại dùng dao chém anh Quang. Khi vợ chồng anh mở cửa chạy thoát thân, chúng vẫn đuổi theo chém khiến anh Quang bị nhiều vết chém ở vai, tay, thắt lưng... Ngay sau đó, hai hung thủ đã tẩu thoát khỏi hiện trường. Nhà báo Quang và vợ được đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên để cấp cứu. Bước đầu xác định nhà báo Quang bị chém 8 vết vào vai, tay, thắt lưng, trong đó có 2 vết thương phải phẫu thuật.
Được biết, thời gian gần đây, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang đã có một số tác phẩm báo chí về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau khi các tác phẩm này được đăng phát, vào đêm 30-8, nhà riêng của nhà báo Quang tại xóm Đồng Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã bị kẻ xấu dùng chất cháy đốt cổng.
Tại Điều 16 của Hiến pháp năm 2013 có quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Còn tại Điều 25 có nội dung như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình... Và tại Điều 35: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Như vậy, Hiến pháp đã quy định rõ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và điều này cũng có nghĩa là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định quyền tiếp cận thông tin và quyền lựa chọn việc làm là quyền của công dân chứ không phải là quyền riêng của nhà báo. Những quyền trên mặc dù đã được hiến định là vậy, song việc vi phạm các quyền trên vì sao vẫn xảy ra và chưa được ngăn chặn? Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì nguyên nhân chính là do việc xử lý những hành vi hành hung nhà báo từ trước tới nay chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe nên khó ngăn chặn.
Cụ thể là từ trước tới nay, hành vi hành hung nhà báo vẫn chưa có tội danh riêng, mà vẫn được các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng Điều 104 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong Bộ luật Hình sự hiện hành, như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Có tổ chức; Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân...
Từ nội dung trên cho thấy, hành vi cố ý hành hung nhà báo dù đang tác nghiệp hay không phải lúc tác nghiệp, mà áp dụng điều luật trên là không phù hợp. Nếu nhà báo bị hành hung trong lúc đang tác nghiệp mà thông tin do nhà báo đang thu thập nếu được công bố sẽ ngăn chặn được hàng loạt các hành vi vi phạm khác hoặc ngăn chặn được hậu quả do người khác phạm tội thì việc tính tỷ lệ phần trăm thiệt hại về sức khỏe hay sự tổn thương của nhà báo là chưa sát với thực tế. Chính vì vậy, tôi đề xuất trong Bộ luật Hình sự sửa đổi cần được bổ sung tội danh riêng đối với hành vi hành hung nhà báo.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065