Tại Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cũng lại nhắc lại nội dung quy định về chủ sở hữu Nhà nước đối với đất đai. Cụ thể, tại Điều 1 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có ghi: Luật này quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Theo tôi, việc quy định như trên trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là không cần thiết, vì vấn đề này đã được hiến định rõ trong Hiến pháp.
Bên cạnh đó, mặc dù Hiến pháp và pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng vai trò của người dân trong việc quản lý, sử dụng đất đai hiện còn rất mờ nhạt, chung chung và luôn bị động từ các cấp chính quyền. Để làm rõ trách nhiệm của nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng đất nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển quốc gia, tôi kiến nghị sửa Điều 1, của Dự Luật Đất đai (sửa đổi). cụ thể, nội dung của Điều 1 cần được viết lại như sau: Luật này quy định sự thống nhất quản lý, về quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai; về quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Tại khoản 12, Điều 3 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có ghi: 12. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước ban hành quyết định để thu lại đất của người đang sử dụng, người được giao quản lý. Theo ý kiến của cá nhân tôi thi nội dung của khoản này tuy đúng, nhưng không rõ nghĩa và lại dài dòng. Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nên tôi đề xuất viết lại nội dung của khoản này cho ngắn gọn và dễ hiểu hơn như sau: 12. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước ban hành quyết định để thu lại đất của người đang quản lý, sử dụng.
Tại Khoản 3, Điều 24 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có ghi: 3. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Như vậy, Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền tuyển dụng và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Thế nhưng tại Khoản 3, Điều 4, Luật Cán bộ, công chức hiện hành lại quy định: 3. Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Để tránh tình trạng 2 văn bản quy phạm pháp luật lại có những quy định khác nhau, đồng thời nhằm hạn chế nạn tham ô, tham nhũng xảy ra, tôi đề nghị Khoản 3, Điều 24 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Cụ thể, Khoản 3, Điều 24 được bỏ từ cả cụm từ “do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức” và thay vào đó bằng cụm từ “là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Như vậy, Khoản 3, Điều 24 của Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ được viết lại như sau: “Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Có một thực tế đã kéo dài từ nhiều năm nay là trong các dự án giải phóng mặt bằng, đặc biệt là ở các dự án lớn, tiền bồi thường, hỗ trợ từ nhà đầu tư đến tận tay người dân có đất bị thu hồi, có tài sản trên đất được đền bù… mất rất nhiều thời gian. Trong khi lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, tỷ giá lạm phát cũng tăng…, nhưng đến khi người dân nhận được tiền thì vẫn là giá cũ cách đó đã nhiều năm. Nếu trong luật không có quy định cụ thể về thời gian luân chuyển dòng tiền bồi thường, hỗ trợ thì người bị thu hồi đất sẽ phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi. Còn các chủ đầu tư, chủ dự án thì lại chẳng làm gì nhưng vẫn nhận được khoản lợi nhuận kếch sù từ việc găm lại tiền bồi thường của dân. Vì vậy, tôi đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung thêm quy định cụ thể về thời hạn có hiệu lực của quyết định thu hôi đất là bao nhiêu ngày. Đồng thời, trong luật cũng cần có quy định về trường hợp có quyết định thu hồi đất, nhưng vì lý do nào đó mà chủ đầu tư không thực hiện thu hồi thì trong thời gian bao lâu sẽ hết hiệu lực pháp lý.
Về việc định giá đất, trong dự thảo luật chưa đưa ra cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết sự chênh lệch giữa mức giá khi nhà nước thu hồi với giá đất khi người bị thu hồi có nhu cầu thì với số tiền đền bù không mua nổi cùng diện tích bị thu hồi trong cùng khu vực. Do đó, nhà nước nên tính đến quy định việc giá ở từng giai đoạn. Cụ thể, thứ nhất là khi nhà nước thu hồi đất mà có mặt bằng để giao đất cho người dân luôn thì tiền đền bù và tiền thu từ giao đất có cùng một mức giá; thứ hai là khi thu hồi đất nhưng chưa có mặt bằng để giao cho người bị thu hồi đất có nhu cầu, thì nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án phải chịu phần chênh lệch giá đất lúc thu hồi với giá lúc bàn giao mặt bằng cho dân. Tuy nhiên, giá đất trong những trường hợp có nhu cầu cần mua với cùng loại đất, cùng diện tích và trong cùng khu vực.
Về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tại khoản 1, Điều 37 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định như sau: 1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, bao gồm: a) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội; c) Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước; d) Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực; đ) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất. Với quy định như trên, theo ý kiến của cá nhân tôi là chưa đầy đủ, đồng thời khó thực hiện và nếu có thực hiện được thì hiệu quả của việc quy hoạch đó sẽ không cao. Bởi lẽ, muốn có căn cứ để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cần có quy định cụ thể về định mức sử dụng đất. Do đó, tôi đề xuất là ở Khoản 1, Điều 37 cần bổ sung thêm một điểm nữa (điểm e), với nội dung như sau: e) Hạn mức sử dụng đất của từng vùng, miền.
Vĩnh Hòa
(Hội Luật gia tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065