BP - Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19-11-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Mặc dù luật này mới được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống nhưng dư luận xã hội cho rằng vấn đề tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã và đang phát sinh những bất cập. Cụ thể là chất lượng tuyển sinh không có quy định “ngưỡng”, nên mạnh trường nào trường đó tuyển. Thậm chí có trường chỉ tuyển được thí sinh mà tổng điểm 3 môn thi không quá 10. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.
Và đây là nguyên nhân khiến không ít sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm phù hợp chuyên môn được đào tạo, vì chất lượng đầu ra có vấn đề. Thực trạng này cũng là kết quả của quy định chưa phù hợp, không sát thực tế cuộc sống. Đó là tại Điều 34 Luật Giáo dục đại học có quy định về quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh và phương thức tuyển sinh của các trường đại học, như sau:... “Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố...”. Và về phương thức tuyển sinh, luật quy định gồm: “Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
Thực hiện quy định nêu trên, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT không quy định “ngưỡng” đảm bảo chất lượng đầu vào chung đối với các ngành, các trường trong tuyển sinh đại học; trừ các ngành đào tạo giáo viên vẫn do Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng này và các ngành sức khỏe, có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ quy định “ngưỡng” này từ năm 2019. Đối với các trường đại học tự chủ được quyền tự quy định “ngưỡng” để đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành, đồng thời xây dựng chính sách chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng chung do pháp luật quy định và có trách nhiệm giải trình về chính sách chất lượng của trường mình, trong đó có chất lượng đầu vào trong tuyển sinh.
Có không ý kiến cho rằng, theo xu hướng quốc tế, việc quản lý chất lượng giáo dục cần chuyển từ chú trọng chất lượng đầu vào sang quản lý chất lượng đào tạo và đầu ra. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng trong điều kiện tỉnh, thành phố và bộ, ngành nào cũng đều “muốn” có trường đại học. Vì thế, muốn tồn tại thì các trường tốp dưới phải hạ điểm tuyển. Do đó, chất lượng đầu vào chỉ là tiêu chuẩn thứ yếu trong tuyển sinh. Vậy nên, có nhiều thí sinh không đủ điểm vào trường công thì vào trường ngoài công lập, hoặc không học chính quy thì học từ xa, hay vừa học vừa làm... Cuối cùng ai cũng có bằng đại học, thậm chí là không phải 1 bằng. Kết quả cuối cùng thì ai cũng biết: “Đầu vào thế nào thì đầu ra thế ấy”. Và hệ lụy cuối cùng là tình trạng thừa thầy nhưng thiếu thợ chưa có điểm dừng. Hơn thế nữa, đây cũng là sự lãng phí lớn cho xã hội về thời gian và chi phí đào tạo...
Vì vậy, đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần xác định ngưỡng điểm tuyển sinh. Cụ thể là đưa ra ngưỡng điểm vào đại học các môn phải đạt từ 5 điểm trở lên. Nếu thực hiện nghiêm quy định này, không những lập lại trật tự trong khâu đào tạo, mà còn giúp việc phân luồng sau kỳ thi THPT quốc gia; đồng thời tránh sự lãng phí lớn về nguồn lực của xã hội.
B.H
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065