BP - Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đã được Quốc hội thông qua ngày 16-12-2002 và có hiệu lực thi hành từ năm 2004. Sau 10 năm thực thi, Luật NSNN đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành NSNN. Luật cũng đã đảm bảo được tính chủ động trong quản lý điều hành NSNN, cải cách hành chính về quản lý và công khai ngân sách. Tuy nhiên, luật đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể là về tính lồng ghép của hệ thống NSNN; phạm vi ngân sách; phân cấp nguồn thu... và đặc biệt là tính công khai, minh bạch cũng như sự giám sát của người dân về thu chi ngân sách.
Tại kỳ họp thứ 8, khóa XIII, Quốc hội đang đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật NSNN sửa đổi. Qua theo dõi tôi thấy trong nội dung dự thảo có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới, nhưng chưa thể hiện được đầy đủ và chặt chẽ đối với những quy định cần thiết. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì sửa đổi luật này cần hướng đến việc HĐND ở địa phương và người dân đều có thể tham gia quy trình giám sát việc thực thi ngân sách.
Vì thực tế thời gian qua cho thấy, nhân dân là người trực tiếp đóng góp cho NSNN thông qua các sắc thuế nhưng họ lại không có nhiều cơ hội để giám sát việc sử dụng tiền mà mình đã đóng. Bởi lẽ, ngân sách là do trung ương phân bổ, trung ương quyết toán và hơn nữa, trong Luật NSNN hiện hành cũng chưa có những quy định cụ thể và rõ ràng về công khai việc sử dụng ngân sách để người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, hình thức và cách thức công khai như thế nào để tránh phiền phức cho người dân cũng cần được làm rõ trong luật lần này. Hiện tại, hàng năm Quốc hội và HĐND các cấp đều có nghị quyết về việc quyết toán NSNN và trong đó cũng có công bố năm nay thu chi bao nhiêu, nhưng thực tế thì nội dung chi và việc sử dụng như thế nào thì người dân không giám sát được. Tại Khoản 11, Điều 15 trong Dự thảo Luật NSNN sửa đổi lần này có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội đối với NSNN như sau: Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính - ngân sách quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án xây dựng cơ bản quan trọng khác.
Theo tôi thì quy định như trong dự thảo luật là khó khả thi. Vấn đề ở đây là chỉ có Quốc hội giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính - ngân sách quốc gia là chưa đủ. Mà rất cần có sự giám sát của cộng đồng trong quá trình sử dụng ngân sách có hiện tượng lãng phí, sử dụng sai mục đích hay không... để phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều tra, xác minh và đưa ra kết luận về những sai phạm được người dân phát hiện. Do đó, sự giám sát của cộng đồng là cần thiết, nhưng phương thức giám sát như thế nào, phát huy vai trò của người dân như thế nào thì phải tìm ra giải pháp, còn nếu quy định như hiện nay thì hiệu quả sẽ không cao.
Bên cạnh đó, trong dự thảo luật cần có quy định cụ thể về việc nếu người dân phát hiện có vấn đề trong việc thu chi ngân sách ở địa phương hay công trình, dự án nào đó thì các cơ quan quản lý sử dụng phải có trách nhiệm thông tin công khai và đầy đủ cho người dân biết. Vì vậy, quy chế giám sát cộng đồng cần được ghi vào luật và có như vậy mới phát huy được dân chủ trong việc sử dụng NSNN.
Kim Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065