Phóng viên đã ghi lại những ý kiến của cử tri ở thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng trả lời thuyết phục
Luật sư Đỗ Pháp, Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho biết phiên chất vấn và trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà ông và nhiều cử tri rất quan tâm, đó là vấn đề năng lượng.
Bộ trưởng đã khẳng định rõ không có chuyện phát điện cầm chừng để mua điện Trung Quốc giá cao vì các thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La… năm nào cũng phát điện vượt sản lượng, không có chuyện vận hành cầm chừng. Bộ trưởng đã dẫn chứng cụ thể về sản lượng đạt được của các công trình này một cách rất thuyết phục.
Những công trình này được xây dựng nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng thủy năng, vừa để phát điện, vừa hạn chế, cắt lũ mùa mưa, cấp nước phục vụ sản xuất đời sống nhân dân trong mùa kiệt, vì thế, không lý do gì không khai thác triệt để các thủy điện lớn theo các mục tiêu đã định...
Ông Phan Ngọc Cửu, cử tri phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng chia sẻ phần đặt những câu hỏi của các đại biểu khá sắc bén và rất mang tính thời sự, Bộ trưởng trả lời cũng rất rõ ràng, dám nhận trách nhiệm những gì Bộ chưa làm được một cách đầy đủ và hứa sẽ khắc phục nhanh trong thời gian ngắn nhất có thể.
Ông cho rằng đó sự mạnh dạn cần thiết của một người Tư lệnh ngành. Trong đó, ông tâm đắc nhất là phần đặt vấn đề về công nghiệp phụ trợ và hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa nhưng không tập trung đẩy mạnh và phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ không hoàn thành được mục tiêu này, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ không được chặn đứng và đẩy lùi, tính mạng của con người cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng...
Chưa hài lòng về phần trả lời liên quan đến hệ thống phân phối bán lẻ trong nước
Cử tri Tạ Ngọc Huyền, giảng viên Học viện Ngân hàng (12 chùa Bộc, Đống Đa) nhận xét, các đại biểu đưa ra những câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc đến những vấn đề quan trọng nhân dân quan tâm, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng trả lời khá thắng thắn, đúng trọng tâm, không né tránh.
Tuy nhiên, cử tri Tạ Ngọc Huyền cho rằng, chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương về những vấn đề liên quan đến hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.
Theo cử tri Tạ Ngọc Huyền, 5 năm qua kể từ khi thực hiện cam kết WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế.
Và chưa đầy 2 tháng nữa, 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên trong khu vực ASEAN sẽ được loại bỏ hoàn toàn rào cản thuế quan để vào nội địa Việt Nam. Sức ép đối với hàng hóa sản xuất trong nước là rất lớn.
Nhưng nhìn lại nửa thập kỷ qua, hệ thống phân phối của Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu như hạ tầng yếu, nhân lực yếu, vốn yếu và liên kết, phối hợp yếu, buông lỏng quản lý và kém minh bạch. Việc đó khiến hệ thống phân phối bị đứt đoạn, dẫn đến tình trạng đầu cơ, tạo yếu độc quyền ở một số ngành, lĩnh vực sản xuất và cung ứng dịch vụ khiến giá tăng cao.
Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài, những tập đoàn bán lẻ quốc tế vào Việt Nam như Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp), Emart (Hàn Quốc) có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ,... cộng với sự ưu đãi đầu tư của một số địa phương khiến các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực tăng thêm những khó khăn không nhỏ trong cuộc chiến cạnh tranh, phân phối hàng hóa ngày càng gam go.
Theo cử tri Huyền, để doanh nghiệp nội phát triển vững mạnh trước “làn sóng” bán lẻ từ nước ngoài đang tràn vào thì Chính phủ và Quốc hội cần khắc phục được 4 điểm yếu cố hữu trên.
Và quan trọng nữa, phải làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, nhất là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục kinh doanh phải được minh bạch hóa.
“Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ bán buôn vì nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng đầu cơ. Đồng thời, phải đưa ra những chế tài xử lý những sai phạm trong phân phối lưu thông, phải tạo được hành lang để làm sao doanh nghiệp không dám bước qua,” bà Huyền nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận xét trên, bà Trần Thị Thu Trang - Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm cũng cho rằng để không bị lép vế trên “sân nhà,” quan trọng nhất, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải hình thành những chuỗi bán lẻ thương hiệu Việt đủ mạnh để có thể tồn tại và cạnh tranh bên cạnh các ông lớn quốc tế.
Muốn vậy, ngoài sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, Chính phủ phải có những biện pháp giúp doanh nghiệp xây dựng được các chuỗi phân phối hàng hóa hiệu quả.
Theo đó, tách bạch riêng ra giữa chuỗi phân phối hàng vật tư chiến lược như xăng dầu, ximăng, sắt thép, phân bón, với chuỗi các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa chủ yếu như gạo, muối, thịt lợn.
Những chuỗi bán lẻ này sẽ là các kênh trung gian đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất, thỏa mãn tốt hơn mục tiêu của doanh nghiệp và nhu cầu của khách hàng.
Theo bà Trang, một yếu tố quan trọng nữa trong sự tồn vong của doanh nghiệp bán lẻ thương hiệu Việt là việc khơi dậy tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Lòng tự hào dân tộc và tinh thần cổ vũ đối với doanh nghiệp Việt là điều mà thế hệ trước đã làm được. Khơi dậy được tinh thần đó là khơi dậy được cảm tình của người dân với thương hiệu Việt.
“Lâu nay sự yếu thế của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài trong cuộc chiến phân phối hàng hóa tại điểm bán lẻ thường được cho là do sự mạnh yếu khác nhau của hệ thống phân phối, hay của lực lượng bán hàng. Nếu chúng ta khắc phục được những điểm yếu cố hữu này và khơi dậy một cao trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì chúng ta có cơ hội giành phần thắng trên sân nhà,” bà Trang khẳng định.
Cần có giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng
Cử tri Nguyễn Hiền Tịnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Đông Nam (khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết, cử tri rất quan tâm theo dõi kỳ họp thứ 8 và đánh giá cao các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Cử tri cho biết, với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, cử tri tin tưởng, trong thời gian tới dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, các cấp, các ngành thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ có bước chuyển mình, vươn lên rất mạnh mẽ, từng bước xâm nhập thị trường và khẳng định được thương hiệu, vị thế của mình trên thị trường.
Ông Tịnh cho rằng, mặc dù có lợi thế trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước so với các doanh nghiệp ngoại, nhưng sức ép cạnh tranh bán lẻ cũng theo đó mà cũng sẽ đè nặng lên vai của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.
Để giữ vững thị phần cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thì Chính phủ, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp trong nước cũng cần có một chiến lược phát triển lâu dài và toàn diện. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần có thêm nhiều chính sách bảo vệ người tiêu dùng để người tiêu dùng càng ngày gắn kết hơn tình yêu của họ dành cho các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.
Ông Đỗ Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Cần Thơ cũng rất đồng tình với phiên trả lời chất vấn hết sức dân chủ, đúng trọng tâm và đi thẳng vào vấn đề mà xã hội bức xúc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng lậu trong thời gian qua và thời gian tới.
Ông Dũng cho rằng, thời gian tới đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật; vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không tiếp tay trong việc mua, bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… phải được đặt lên hàng đầu.
Các địa phương cũng cần tăng cường công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong đó, trú trọng đến các mặt hàng như: xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, điện-điện tử và các mặt hàng khác…
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065