BP - Năm 2019, kế hoạch vốn đầu tư công giao cho tỉnh gần 3.022 tỷ đồng, nhưng khối lượng thực hiện trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 391 tỷ đồng, giải ngân gần 536 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương giao hơn 387,6 tỷ đồng, giải ngân 127,3 tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương có khối lượng thực hiện rất thấp và giải ngân chỉ đạt 15% chỉ tiêu giao. Không chỉ những tháng đầu năm 2019 mà tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong tỉnh liên tiếp những năm gần đây diễn ra khá chậm.
Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở từ Trung ương đến địa phương, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn cứ chậm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chủ đầu tư thiếu kiểm tra, đôn đốc, cộng với năng lực quản lý nhà thầu yếu kém. Kế đến là quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án còn rườm rà và thực hiện giải phóng mặt bằng chậm. Thậm chí có những dự án xây dựng cơ bản từ khi được phê duyệt đến lúc đấu thầu, thiết kế xong mất cả năm.
Đơn cử như Dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh giải ngân chậm chủ yếu do công tác bàn giao giữa Sở Y tế và Ban quản lý dự án tỉnh. Đối với vốn ngân sách địa phương, chủ yếu là hụt thu tiền sử dụng đất nên các dự án không có nguồn vốn để giải ngân. Còn các dự án khởi công mới trong năm chủ yếu mới lập kế hoạch đấu thầu, ký kết hợp đồng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân. Ngoài ra, còn phải kể đến tâm lý ì ạch của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công và cả nhà quản lý do việc quy định kéo dài thủ tục quyết toán đến ngày 31-1 năm sau... Trong khi nguồn vốn Trung ương nếu giải ngân chậm dẫn đến hết hạn sẽ không được chuyển tiếp, cũng không được điều chuyển sang dự án khác và địa phương bị mất vốn do Trung ương thu hồi.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm đã và đang gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không còn giải pháp nào khác là các sở, ngành chức năng và chủ đầu tư, nhà thầu phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án để chủ động giải ngân nguồn vốn, tránh tình trạng để tăng tổng mức đầu tư. Đối với nguồn vốn địa phương giải ngân chậm phải kiên quyết điều chuyển cho đơn vị hoặc địa phương khác, thậm chí phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư. Hy vọng, giải pháp điều chuyển nguồn vốn đã bố trí sang công trình khác đối với các dự án đến ngày 30-6 giải ngân dưới 30% và kiên quyết không ghi kế hoạch vốn của năm sau mà đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa ra tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 18-6 sẽ tác động tích cực đến việc giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần ban hành chỉ thị về tỷ lệ giải ngân và quy định rõ trách nhiệm từng sở, ngành đối với công tác này. Đối với nguồn vốn địa phương phải kiên quyết điều chuyển sang đơn vị, địa phương khác nếu dự án không hoàn thành tiến độ. Ngoài ra, cần chủ động đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư một số công trình, dự án sau nhiều năm hết hạn mà chưa giải ngân được nguồn vốn. Thậm chí phải kiểm điểm các đơn vị, chủ đầu tư chậm giải ngân để làm gương.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065