BPO - Cần có chính sách để giữ chân, thu hút nhân lực chất lượng cao vào cơ quan Quốc hội, đồng thời cân nhắc việc quy định đại biểu chuyên trách ở địa phương cũng như có cơ chế đối với các đại biểu thường xuyên vắng họp ở các ủy ban. Đó là những nội dung được đại biểu Nguyễn Tuấn Anh và đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Đoàn ĐBQH Bình Phước thảo luận tại tổ với đoàn các tỉnh Vĩnh Long và Thanh Hóa
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc sửa đổi luật là cần thiết khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 18 của Trung ương. Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo luật chưa phù hợp với thực tế, điển hình như các nội dung tại điều 38 quy định việc chuyển công tác, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và điều 43 quy định Đoàn đại biểu Quốc hội.
Thực tế là để đại biểu tiếp xúc với cử tri, đoàn ĐBQH tỉnh phải có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các địa phương. Do đó luật quy định đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri là không khả thi. Trong xu thế hiện nay, các đại biểu có xu hướng tiếp xúc cử tri “chéo” ở các đơn vị mình không ứng cứ, hoặc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu thảo luận tại tổ
Về việc sửa quy định đoàn đại biểu Quốc hội quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đón đầu cho việc hợp nhất các văn phòng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho là quá sớm khi chưa có sự tổng kết đánh giá việc thí điểm hợp nhất các văn phòng. Đối với quy định đại biểu chuyên trách của địa phương, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị ban soạn thảo phải cân nhắc vì thực tế rất khó hoạt động.
Theo dự thảo luật, Quốc hội phải đảm bảo tỷ lệ 35% đại biểu chuyên trách, đại biểu Phan Viết Lượng chỉ ra rằng nhiều nhiệm kỳ qua tỷ lệ này đều không đủ. Do vậy, cần phải có đánh giá vì sao không đủ và việc không đủ tác động như thế nào đến hiệu quả, hiệu lực hoạt động, tới đây trong bầu cử nếu không đạt thì cũng phải có phương án tính toán.
Hiện nay, Quốc hội đã có tổng số lượng ổn định là 500 đại biểu. Thời điểm này, đại biểu Phan Viết Lượng đề xuất nghiên cứu giảm xuống ở mức vừa phải, có thể là 450 đại biểu, đồng thời tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Cách làm này giúp giảm biên chế, kinh phí hoạt động không thay đổi nhưng lại tăng các điều kiện đảm bảo khác để Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả hơn.
Về tổ chức bộ máy, theo đại biểu Phan Viết Lượng cần tăng cường tính độc lập, đổi mới, chuyên nghiệp, chuyên sâu nếu không khó đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội.
Đại biểu Phan Viết Lượng cũng bày tỏ sự lo lắng về lực lượng kế thừa có chất lượng khi các cơ quan của Quốc hội rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và thường xuyên xuất hiện tình trạng bỏ việc vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Do vậy, lần sửa luật này cần có chính sách phù hợp hơn.
Trần Thể
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065