Vì vậy, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (đang diễn ra tại Hà Nội), Chính phủ đã trình dự án Luật Tố cáo sửa đổi. Theo đó, về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 9 trong dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi có quy định như sau: Người tố cáo có các quyền sau đây: Gửi đơn hoặc trực tiếp đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;... Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tìm hiểu thực tế trong dư luận xã hội cho thấy, vấn đề này đang tồn tại 2 luồng quan điểm, ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu trong dự luật đã quy định có hình thức “trực tiếp” thì cần làm rõ trường hợp nào là “gián tiếp”, nếu quy định không rõ, không đầy đủ về hình thức tố cáo sẽ làm hạn chế quyền tố cáo của công dân. Cụ thể là cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, mạng thông tin điện tử... vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, trong một số văn bản luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 65 trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định như trên cũng là phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử... Hơn nữa, hiện có nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc... để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh - kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định như Luật Tố cáo hiện hành và trong dự thảo luật là phù hợp và người viết bài cũng đồng thuận với những ý kiến này. Bởi vì, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật... Bên cạnh đó, nếu chấp nhận tố cáo qua email thì máy chủ ở nước ngoài, còn qua tin nhắn thì sim rác rất nhiều, không ai quản lý được. Nếu những người vì bất mãn mà cứ gửi tin nhắn, email liên tục thì sẽ gây mất ổn trong xã hội. Hơn nữa, nếu chấp nhận mở rộng các hình thức tố cáo nêu trên thì không công bằng giữa người tố cáo và người bị tố cáo. Vì nếu người tố cáo sai thì người bị tố cáo chịu thiệt, người nhắn tin tố cáo thì... không bị xử lý gì. Vì thế, họ cứ vô tư tố cáo và từ đó tạo ra những người thích tố cáo, “nghiện” tố cáo. Và hễ cứ không ưa điều gì hoặc ai đó là họ sẵn sàng tố cáo, chẳng cần tìm hiểu rõ thực tế như thế nào và quy định của pháp luật ra sao. Chưa hết, nếu đồng ý tiếp nhận tố cáo qua các kênh nêu trên, nhưng sau khi xác minh và khẳng định là tố cáo không đúng, nhưng khi ấy nội dung tố cáo đã bị phát tán trên mạng xã hội thì rất ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo.
Hơn nữa, thực tế những năm gần đây cho thấy, tình trạng đơn thư khuyết danh rất phức tạp, cứ chạy theo để giải quyết thì không có thời gian và con người. Vì thế, nếu chấp nhận đơn thư tố cáo qua đường dây nóng, qua điện thoại, email..., tức là tạo điều kiện cho tố cáo nặc danh bùng phát. Và theo Thanh tra Chính phủ cho biết, trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết và như vậy sẽ chẳng khác nào việc đánh nhau với cối xay gió.
Tuy nhiên, để tránh bỏ sót người, lọt tội và tăng cường hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tôi đồng tình về việc dự thảo luật không quy định xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng trong luật mới cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm...) thì cơ quan và người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Và dẫu sao đây chỉ là ý kiến của cá nhân người viết, rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065