BP - Tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin việc thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa lần lượt cho tạm dừng việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Tiếp đó, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho biết cũng sẽ dừng việc thu loại phí này. Việc các đơn vị nói trên đã dừng hoặc sắp dừng thu phí xe máy là những tín hiệu cho thấy đã đến lúc cần bãi bỏ loại phí này trên phạm vi cả nước. Bởi lâu nay, đã có rất nhiều ý kiến phân tích về sự bất hợp lý của việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Tiếc là các ý kiến đó không được xem xét thấu đáo.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Thế nhưng việc thu phí theo đầu phương tiện xe máy đã thể hiện sự bất hợp lý ngay từ cách tiếp cận vấn đề, bởi quá trình sử dụng dịch vụ có sự khác nhau giữa các đầu phương tiện, có xe đi ít, có xe đi nhiều, trong khi tất cả phương tiện xe máy đều phải chịu một mức phí như nhau. Đó là bất hợp lý đầu tiên.
Bất hợp lý thứ hai là các cấp chính quyền đã phải tổ chức lực lượng thu phí đến tận tổ dân phố, rất tốn kém về công sức. Tuy nhiên, lại không có chế tài đối với các phương tiện không đóng phí nên có hộ đóng hộ không. Theo thống kê, tỉnh Bình Phước hiện có gần 300.000 xe máy đăng ký sử dụng và phần lớn số xe này chưa đóng phí bảo trì đường bộ. Năm 2014, toàn tỉnh được giao thu 29,5 tỷ đồng, nhưng thống kê trong 9 tháng chỉ thu được 5,4 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch. Dù ngay từ đầu năm, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thị xã, tuy nhiên các đơn vị có mức thu cao như Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Gia Mập cũng chỉ đạt trên 30%, còn lại đều rất thấp. Huyện Hớn Quản chỉ tiêu giao 2,35 tỷ đồng chỉ thu được 201 triệu đồng; thị xã Phước Long giao 2,35 tỷ đồng chỉ thu được 272 triệu đồng... Nhìn chung mức thu ở nhiều địa phương không đáng kể gì so với công sức bỏ ra.
Tại cuộc họp báo thông báo nội dung, chương trình kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII, tổ chức ngày 15-7 vừa qua, đại diện các cơ quan báo chí cũng đã đặt câu hỏi đối với người chủ trì rằng kỳ họp này HĐND tỉnh có xem xét bãi bỏ việc thu phí xe máy hay không? Như vậy là vấn đề thu phí xe máy cũng đang được dư luận trong tỉnh quan tâm. Bởi ngoài những bất hợp lý đã nêu, mức đóng 100.000 đồng/phương tiện/năm đối với những hộ nghèo ở Bình Phước cũng sẽ là không nhỏ.
Dư luận xã hội luôn là vấn đề nhạy cảm đối với công tác quản lý, điều hành xã hội. Khi một chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống mà tạo được dư luận tốt thì rất đáng mừng. Tuy nhiên, khi chính sách tạo nên những luồng dư luận không tốt, những bức xúc trong xã hội và có nhiều ý kiến phản biện hợp lý thì các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách cần tiếp thu với tinh thần cầu thị để tham mưu khắc phục, sửa chữa. Điều đó không chỉ góp phần an dân mà sẽ mang lại ý nghĩa xã hội to lớn, thể hiện rõ tính ưu việt của một chế độ xã hội của dân, do dân và vì dân.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065