BP - Năm nào cũng thế, khi tờ lịch cuối cùng rơi xuống, tự nhiên tôi cứ buột miệng: Lại hết một năm rồi! Nhưng hình như không chỉ riêng tôi mà hầu hết mọi người đều như thế. Chúng ta bao nhiêu tuổi thì câu cảm thán này sẽ lặp lại bấy nhiêu lần. Và như thế nghĩa là chẳng có gì mới, cũng chẳng có gì cũ cả. Những đứa bé đang độ tuổi lớn sẽ lớn thêm. Những người đã sang bên kia dốc cuộc đời sẽ già đi. Và tôi, trước thềm năm mới Ất Mùi 2015 này lại nghĩ đến thời gian với con mắt nhìn ngược nhìn xuôi, bằng giờ này năm trước tôi ra sao, bằng giờ của 5 năm, của 10 năm trước tôi ra sao? Rồi năm sau, năm sau nữa, tôi sẽ ra sao? Những câu hỏi như thế chưa bao giờ đến với tôi trong quãng đời niên thiếu - quãng thời gian tràn đầy hạnh phúc, cho dù thiếu thốn rất nhiều về vật chất, nhưng với một đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới thì sự thiếu thốn ấy nào có nghĩa lý gì!
Một năm trời có thể làm cho người ta đổi thay một ít, nhiều năm cộng lại sẽ đổi thay rất nhiều, nhưng vì ở cạnh nhau nên ta chẳng thể nhận ra. Phải gặp những người đã xa cách từ lâu ta mới thấy được mình đã thay đổi thế nào. Giống như tuần trước, cô bạn thời đại học hiện đang làm việc tại Huế có dịp công tác tại Bình Phước nên hẹn gặp. Vừa trông thấy tôi, cô ấy đã kêu toáng lên, trời ơi sao mày mập thế, sao mặt lại đầy tàn nhang thế kia. Và suýt nữa tôi cũng đã kêu lên như thế khi cô ấy vừa ở sảnh khách sạn bước ra. Có lẽ sáng nào cũng đứng trước gương trước khi đi làm nên cả tôi và cô ấy cùng không nhận thấy mình đã già đi, đã mập lên đến mức nào!
Chuyện xa chuyện gần rồi lại trở về những ngày khó khăn, thiếu thốn ở trường đại học. Những bữa cơm sinh viên được nấu bằng thứ gạo vô hơi ăn với “nước mắm đại dương” và “canh toàn quốc”. Những buổi tối mùa Đông co ro trong ký túc xá, chăn đơn mỏng mảnh mà phên vách thông thống gió lùa. Thế nên đứa nào đứa nấy cứ xuýt xoa ao ước một khoanh củ mì hay trái bắp nướng khi bụng réo lên òng ọc. Thế mà giờ đây, khi đã sở hữu những vật chất là mong ước một thời thì tôi lại nghĩ, cuộc đời nếu cứ ngưng đọng mãi ở những năm tháng tuổi thơ thì tuyệt biết bao nhiêu!
Xa quê hương để mưu sinh, cứ mỗi độ tết đến xuân về là trí nhớ lại đưa tôi về những tháng ngày xa xưa, những tháng ngày chân đất đầu trần, thơ thẩn đường làng với cỏ cây hoa lá hoang dại. Những tháng ngày lăn lóc ngoài đồng với cua ốc, rơm rạ cùng những trò chơi bất tận bên dòng sông và trên cánh đồng làng. Ngày ấy, tôi cùng lũ trẻ trong làng lớn lên trong đói nghèo nhưng không ai thấy mình nghèo đói. Những khái niệm về thời gian, những trăn trở về cuộc sống chưa bao giờ là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ như tôi thời ấy. Thời gian khi ấy đối với tôi chỉ hiện hữu trong mỗi câu chuyện cổ tích của ông nội với câu mở đầu mang tính mặc định: ngày xửa ngày xưa...
Rồi bất chợt một ngày, thấy mình bị cụng đầu khi bước vào gian bếp tối thui mà không cúi xuống, nhìn xuống chân, thấy hai ống giò dài ngoằng và làn da con gái bắt đầu sáng trắng lên dưới ống quần cộc cỡn, tôi đã biết lén lút nhìn vào mảnh gương vỡ nhặt được ngoài lũy tre và chợt nhận ra tóc mình đã dài từ khi nào, đôi con mắt hay nhìn xuống và gò má thi thoảng lại ửng hồng. Nhìn những chấm đồi mồi trên cánh tay và những chấm tàn nhang trên gương mặt tuổi ba mươi của dì, của thím, tôi tự nhủ còn lâu lắm tôi mới cán đích thời gian mà họ đã sống trên đời. Trước mắt cô gái tuổi mười lăm, cuộc đời còn mênh mang, dằng dặc phía trước.
Thời gian trôi qua, tôi trở nên từng trải, rồi lập gia đình. Những năm tháng khó khăn của một gia đình trẻ, mỗi khi nhìn hai đứa con sài đẹn đau ốm liên miên, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, tôi thấy đời người sao mà dài quá. Biết đến bao giờ chúng mới khôn lớn, trưởng thành để tôi bớt lo âu! Nhưng rồi mỗi mùa Đông qua đi, khi tờ lịch cuối cùng rơi xuống, tôi lại thon thót thở dài giống như bà, như mẹ, sao thời gian trôi đi nhanh quá, chớp mắt đã lại thêm một tuổi rồi. Với người đàn bà ngoài ba mươi thì “cái tuổi nó đuổi xuân đi”.
Thời gian là một trong những thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của con người và nhiều khi chúng ta phải trả giá rất đắt. Cái giá cho vài giây tăng tốc đột ngột của phi công lái chiếc máy bay QZ8501 mà cho đến bây giờ, các nhà khoa học không thể biết vì sao nó tăng tốc đột ngột thế - là sự trả giá bằng mạng sống của 162 con người trên chuyến phi cơ đó. Cái giá của 15 giây chậm trễ của người thầy thuốc trước một bệnh nhân đang hấp hối hay chỉ một phần mười giây của vận động viên điền kinh, bơi lội là cái giá của một cuộc đời, một sự nghiệp, một kỳ tích! Còn với đại thi hào Nguyễn Du thì thời gian thật đáng sợ trong trạng thái nhớ nhung phiền muộn “Sầu đong càng lắc càng đầy. Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”.
Cảm thức về thời gian, về đời người trong mỗi chúng ta luôn thay đổi theo thời điểm, theo từng trạng thái của cảm xúc, nhưng chung quy lại là nó lấy đi của ta nhiều thứ. Nhan sắc, danh vọng, tiền tài... theo thời gian rồi cũng sẽ hết để nhường chỗ cho một tiếng thở dài tiếc nuối. Và nghĩ cho cùng, cuộc đời dài hay ngắn không phải bằng số tháng năm sống ở trên đời cho dù ta luôn làm mọi cách để níu giữ nó. Thời gian vô thường, nhưng thời gian cũng luôn bủa vây, chế ngự ta. Tự nhiên, tôi lại nhớ đại ý câu danh ngôn không biết của ai rằng ý nghĩa cuộc sống không được tính bằng thời gian. Nó chỉ có ý nghĩa trong khoảnh khắc bạn từ bỏ nó!
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065