>> Đò đầy nhưng không được qua sông
BP - Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước là xã giáp ranh xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hàng ngày, người dân hai xã thường qua lại để trao đổi hàng hóa, giao lưu bằng một con đò tự phát. Tuy nhiên, trong 3 ngày gần đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã cho đơn vị chức năng dựng barie cấm người và các phương tiện đi vào con đường dẫn đến bến đò sông Mã Đà. Lệnh cấm đột ngột này đã gây tắc nghẽn hai bờ sông, người dân không biết bằng cách nào để về nhà.
Người dân bên bờ sông Bình Phước không về được nhà vì bị cấm đò đột ngột
Sông Mã Đà là ranh giới hành chính cắt ngang giữa hai xã Tân Hòa và Mã Đà. Là hai xã giáp ranh nên lâu nay người dân hai bên bờ sông vẫn thường qua lại. Đặc biệt, nhiều người dân ở Đồng Nai đến làm rẫy và kinh doanh buôn bán tại xã Tân Hòa. Ngược lại, một số hộ dân ở Tân Hòa đưa con em sang xã Mã Đà học. Tất cả những hoạt động đó đều phụ thuộc vào một con đò qua sông Mã Đà.
HỖN LOẠN VÌ KHÔNG VỀ NHÀ ĐƯỢC
Ông Huỳnh Văn Thanh, ở tổ 4, xã Tân Hòa, chủ đò bức xúc: Từ 3 giờ chiều ngày 16-11, một barie được dựng trước cổng Trạm kiểm lâm Rang Rang không cho người và các phương tiện qua lại. Sáng 17-11, lực lượng kiểm lâm, công an đứng trực ở phía Mã Đà rất nhiều nên chúng tôi không thể đưa người sang sông. Tôi ở đây đã hơn 20 năm để đưa người và phương tiện qua lại bằng con đò duy nhất này. Lệnh cấm đột ngột như vậy chẳng khác nào cô lập chúng tôi.
Quá trưa, chị Phạm Thị Lương ở xã Tân Hòa cùng một số người dân đành phải đu dây qua sông để về nhà. Chị Lương bức xúc: Cấm người dân qua lại trên tuyến đường này rất phi lý. Đây là con đường ngắn qua lại giữa hai xã. Nếu đi đường vòng xa hơn 100km.
Đò bị cấm, nhiều người liều mình bám dây qua sông Mã Đà
Ông Lê Chiêu ở xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu cho biết: Chúng tôi sống và làm ăn ở đây hơn 20 năm nên biết đây là con đường 322, có từ rất lâu trên bản đồ địa giới. Thậm chí đã có cây cầu Trần Lệ Xuân của chế độ cũ bắc qua (nay đã sập, chỉ còn chân cầu). Nếu đò không an toàn, không đảm bảo chất lượng, đề nghị hai tỉnh có kế hoạch xây cầu cho nhân dân qua lại; hoặc nâng cấp, tu bổ, cấp phép đò mới cho dân, không nên “ngăn sông cấm chợ” như vậy!
CẤM VÌ THUỘC KHU VỰC BẢO TỒN
Để hiểu rõ sự việc, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hoàng Hảo, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mã Đà. Ông Hảo cho biết: Chuyện cấm người dân và các phương tiện qua lại là có và chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của cấp trên. Thứ nhất, đò đưa người sang sông Mã Đà không đảm bảo chất lượng, lỡ xảy ra tai nạn ở địa phận tỉnh nào thì tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, năm 2003, các lâm trường đã ký kết thống nhất quy hoạch khu vực này thành vùng bảo tồn Đồng Nai với diện tích 100.303 ha (tính cả hồ Trị An 32.400 ha). Đến năm 2004, Chính phủ đã công nhận khu bảo tồn này trở thành rừng đặc dụng của tỉnh. Tháng 6-2011, UNESCO đã công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy, theo nguyên tắc, đã là rừng đặc dụng thì chỉ có 5% dân ở vùng lõi, còn lại phải di chuyển ra ngoài để đảm bảo bảo tồn. Về việc sinh sống của trên 20 hộ dân ở khu vực tổ 9, ấp 5, xã Mã Đà, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch di dời đến nơi ở mới tại các xã Mã Đà, Hiếu Liêm và thị trấn Vĩnh An. Chúng tôi cấm người và xe là với những người lạ để đảm bảo bảo tồn, còn những người dân ở đó vẫn đi lại và sinh hoạt bình thường.
Ngày 17-11, nhận được tin báo của người dân, chúng tôi đến khu vực bến đò Mã Đà để nắm tình hình. Hai bên bờ có rất nhiều người dân và phương tiện đang chờ sang sông. Người già, trẻ nhỏ kèm theo vật dụng, gia súc, gia cầm, nông sản... thậm chí có cả phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh vẫn không được qua đò... Tất cả tạo nên một cảnh hỗn loạn hai bên bờ sông. |
Bà Huỳnh Thị Dung ở xã Tân Hòa cho biết: Hàng ngày có khoảng 10 học sinh của xã đang theo học tại trường tiểu học, THCS Mã Đà. Ngược lại, rất nhiều người dân ở Mã Đà sang làm rẫy, buôn bán ở xã Tân Hòa. Nếu cấm như vậy, học sinh phải nghỉ học hết sao? Còn dân không biết bằng cách nào để sang đây làm ăn?
Việc cấm người và xe đi vào khu vực rừng đặc dụng của UBND tỉnh Đồng Nai là đúng. Tuy nhiên, thực hiện đúng nguyên tắc nhưng chưa tuyên truyền giải thích cho dân biết và đặc biệt là chưa có giải pháp tạo thuận lợi trong việc qua lại cho người dân sống hai bên bờ sông Mã Đà là bất cập, không “vì dân”. Rất mong các cơ quan chức năng 2 tỉnh sớm có biện pháp di dời các hộ dân hoặc có giải pháp phù hợp sớm giúp người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt.
Đ. Kiểm - T. Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065