Sau đó tháng 11-2014, bộ tiếp tục ban hành chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học với nhiều quy định cụ thể, xử lý kiên quyết hơn tình trạng này. Riêng ở TPHCM, Sở GD-ĐT từng có văn bản yêu cầu các đơn vị không dạy thêm đối với học sinh trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động này vẫn nở rộ, bất chấp các quy định cấm của cơ quan chức năng.
Mùa hè - mùa luyện chữ
Các em học lắp ráp robot tại Nhà thiếu nhi TPHCM trong những ngày hè
Chiều 15-7, có mặt tại một điểm học thêm trên đường Lê Đức Thọ (phường 15, quận Gò Vấp), chúng tôi thấy có rất đông phụ huynh đang chờ đón con sau buổi học luyện chữ dành cho học sinh độ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học. Chị Thanh Nga, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết lớp học do một cô giáo Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mở ra và đã hoạt động hơn 4 tháng nay. Dù diện tích phòng học hơi nhỏ, mỗi buổi học chỉ có hơn 20 học sinh, nhưng mỗi ngày đều có 3 khung giờ cho phụ huynh lựa chọn, từ 8 giờ 30 - 10 giờ, 15 giờ - 16 giờ 30 và 17 giờ 30 - 19 giờ. Tùy vào lịch sinh hoạt ở nhà, phụ huynh có thể lựa chọn khung giờ phù hợp, chỉ cần bảo đảm điều kiện học không quá 5 buổi/tuần. Do thời gian học linh hoạt, học phí không quá đắt (hơn 1 triệu đồng/học sinh/tháng) nên dù lớp học được tổ chức theo mô hình lớp ghép, tức dạy cùng lúc học sinh 5 tuổi (đối tượng chưa biết chữ) và học sinh các lớp 1, 2, 3 (đối tượng đã đọc thông, viết thạo) nhưng vẫn có rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học.
Cách đó chưa đầy một cây số là lớp luyện chữ của cô K.T., giáo viên một trường tiểu học của quận 12, hiện đang ở trọ và mở lớp rèn chữ tại một con hẻm trên đường số 9 (phường 16, quận Gò Vấp). Theo cô T., căn phòng nhỏ với diện tích chưa đầy 15m2 là nơi cô và em gái hiện đang học lớp 12 thuê để vừa ở trọ, vừa mở lớp dạy học. Các buổi học được tổ chức vào khoảng chiều tối, số lượng học sinh trồi sụt thất thường, nhưng chưa hôm nào lớp học không sáng đèn. Gần đó, Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp cũng dán thông báo chiêu sinh các lớp rèn chữ hè 2015. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các lớp rèn chữ ở đây mở quanh năm, không quy định thời gian bắt đầu và kết thúc khóa học. Tùy vào trình độ mỗi học viên, giáo viên sẽ có giáo án phù hợp. Lịch học chỉ kéo dài từ 8 giờ - 9 giờ sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần với học phí 200.000 đồng/học sinh/tháng (đối với các lớp 5, 6 tuổi). Riêng đối với các lớp lứa tuổi lớn hơn, học phí chỉ còn 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Nên quản thay vì cấm
Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, cả nước đã thực hiện Thông tư 30 quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, trong đó có việc không cho điểm học sinh mà chỉ tiến hành ghi nhận xét, đánh giá. Quy định này theo nhận xét của nhiều chuyên gia giáo dục là đã làm giảm áp lực điểm số, giúp việc học của học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn, qua đó góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, trên thực tế, các lớp học thêm dành cho học sinh tiểu học vẫn sáng đèn, số lượng chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Theo anh Hoàng Khánh, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp) nguyên nhân là do “Hai vợ chồng đều bận đầu tắt mặt tối! Trong năm học, việc sắp xếp công việc đảm bảo 16 giờ chiều đón con đã khó. Bây giờ nghỉ hè, thời gian con ở nhà tăng lên, không tìm lớp học thêm thì không biết cho con làm gì. Do đó nhìn qua nhìn lại, chúng tôi thấy rèn chữ là thích hợp nhất vì bây giờ ở trường không cho điểm số, phụ huynh không biết con yếu nhất môn nào, nhưng chữ viết thì môn nào cũng cần. Chữ con xấu thì dù học môn nào cũng sẽ bị giáo viên nhắc nhở”.
Một trường hợp khác, chị Minh Hà, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh) đặt câu hỏi: “Vì sao Bộ GD-ĐT đã cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, nhưng hầu hết học sinh lớp 1 bây giờ đã đọc thông viết thạo từ trước khi vào năm học? Làm sao phụ huynh có thể yên tâm cho con không học chữ trong khi bạn bè lớp con đều đã biết hết? Thử hỏi nếu không có giáo viên tiểu học mở lớp dạy chữ thì phụ huynh chúng tôi dù muốn cũng không thể cho con học trước”.
Có thể thấy, quy định cấm đã có hơn 3 năm qua, nhưng đến nay chưa đi vào thực tế là do những thiếu sót trong công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan có trách nhiệm. Không thể đổ hoàn toàn lỗi do ý thức của phụ huynh mà thay vào đó, nên làm tốt công tác quản lý giáo viên. Khi triệt tiêu mọi nguồn “cung” thì “cầu” dù có cũng không thể thực hiện. Bên cạnh đó, cần thay đổi quan niệm từ “cấm dạy thêm” sang “tổ chức quản lý thế nào cho có hiệu quả”. Trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm, hơn ai hết giáo viên chính là người đóng vai trò định hướng cho học sinh nên học môn gì, thời lượng bao nhiêu là phù hợp. Ngoài ra, trong dịp hè, các trường nên có sự phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tổ chức sinh hoạt, quản lý học sinh trong dịp hè. Chỉ khi làm tốt những điều đó, căn bệnh trầm kha mang tên “dạy thêm, học thêm” mới được trị tận gốc, không trở thành nỗi nhức nhối của xã hội như thời gian qua.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065