BP - Những năm gần đây, tình trạng cho vay và cầm cố đất đai với lãi suất cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 459 hộ cầm cố đất, thế chấp đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 565 ha và có 302 hộ bán đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 300 ha. Điều đáng nói ở đây là phần lớn những hộ cầm cố đất sản xuất, đất ở với lãi suất cao, nên nhiều gia đình đến thời hạn không trả được nợ và đành chấp nhận giao đất cho chủ nợ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm cố đất, bán đất diễn ra dai dẳng, phức tạp là hầu hết các hộ đồng bào có đời sống kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, không ít hộ có thói quen tiêu dùng không có kế hoạch hoặc cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ... nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ. Và một nguyên nhân nữa là do các cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở pháp lý cùng với những chế tài đủ sức răn đe để xử lý các vụ việc. Vì thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất, cho vay nặng lãi đều thực hiện giao dịch bằng miệng hoặc viết tay giữa hai bên, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó phát hiện và không có cơ sở pháp lý để xử lý. Trong khi đó, các chủ nợ cho vay thường chủ động lập các giao dịch và ở phần lãi suất thì trên giấy tờ vay thường chỉ ghi “mức lãi suất do hai bên thỏa thuận”. Hành vi này của các chủ nợ nhằm tránh tội cho vay nặng lãi.
Vợ chồng anh Điểu Gieo - Thị Bara, ngụ thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng nghèo do cầm cố đất, bán điều non (hình minh họa) - Ảnh: Vũ Thuyên
Từ xa xưa, trong đời sống xã hội thì việc vay và cho vay là hoạt động bình thường của cộng đồng dân cư, không bị pháp luật ngăn cấm. Mà luật pháp chỉ tngăn cấm và nghiêm trị đối với những hành vi cho vay nặng lãi. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 476 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về mức lãi suất cho vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo đó, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi”.
Và theo Điểm d, Khoản 3, Điều 11 trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.
Còn theo quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay nặng lãi, mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong trường hợp người cho vay nặng lãi, sau đó có hành vi dùng thủ đoạn ép buộc người vay tiền phải gán tài sản thì tùy theo từng trường hợp, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 135 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Trong khi đó, tội cưỡng đoạt tài sản có khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm tù, tùy theo mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, pháp luật về dân sự và hình sự đều có quy định cụ thể về việc Nhà nước nghiêm cấm hành vi cầm cố tài sản và cho vay nặng lãi. Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ các chế tài đối với hành vi này. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống xã hội vẫn đã, đang xảy ra tình trạng cầm cố tài sản, cho vay nặng lãi và cũng đã có không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống đã nghèo lại lâm vào cảnh khó khăn hơn. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các chế tài đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng trên.
D.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065